Hai kháng thể này kết hợp với nhau để ngăn virus bám vào tế bào chủ, theo nghiên cứu do chuyên gia Cao Phúc, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, chủ trì, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu ở nước này.
Họ nói thậm chí một chủng đột biến của virus corona cũng có thể bị vô hiệu hóa vì các kháng thể này tấn công các phần khác nhau của "protein dạng gai" (spike) mà virus này dùng để bám vào tế bào, theo South China Morning Post.
Hai kháng thể mới được phát hiện "hứa hẹn tiềm năng cho việc phòng chống và điều trị virus Covid-19", ông Cao nói trong nghiên cứu chưa trải qua bình duyệt, được đăng trên trang medRxiv.org hôm 7/5.
Trong nghiên cứu, ông và cộng sự đã cấy protein dạng gai vào mẫu máu lấy từ một bệnh nhân Covid-19 đã bình phục ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Họ muốn kích hoạt phản ứng miễn dịch từ các tế bào nhớ B, vốn được hình thành sau khi cơ thể nhiễm virus, có thể tồn tại và tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa virus trong hàng thập kỷ.
Cách làm của họ xuất phát từ việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục để điều trị Covid-19 sau khi thử nghiệm đầu tiên với 10 người ở Vũ Hán cho thấy biện pháp này giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng chỉ trong một tuần.
Mới đây, các nhà khoa học Hà Lan cũng công bố trên tạp chí Nature cho biết, một kháng thể có tên là 47D11 có thể liên kết với protein tăng đột biến mà coronavirus mới (SARS-CoV-2) sử dụng để xâm nhập cơ thể và ngăn chặn nó theo cách trung hòa mầm bệnh.
Vì chưa có vắcxin hoặc phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nên nhóm nhà khoa học từ Hà Lan đã tìm hiểu xem liệu các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody - mAb) có thể giúp chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 hay không.
Kháng thể đơn dòng là một loại protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể liên kết với một chất cụ thể trong cơ thể. Những loại kháng thể này bắt chước cách hệ thống miễn dịch phản ứng với mối đe dọa và được sử dụng để điều trị một số dạng ung thư.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm vào những con chuột có các kháng thể tương tự như ở người loại protein tăng đột biến mà virus gây ra SARS, MERS và SARS-CoV-2 sử dụng xâm chiếm tế bào. Kết quả là cơ thể những con chuột này tạo ra 51 kháng thể có khả năng vô hiệu hóa protein tăng đột biến.
Nhóm khoa học tiếp tục nghiên cứu để xem liệu các kháng thể có vô hiệu hóa được virus SARS-CoV (loại virus gây ra dịch SARS năm 2003) và SARS-CoV-2 trong các mẫu tại phòng thí nghiệm hay không và đã tìm thấy kháng thể 47D11.
Phó giáo sư Berend-Jan Bosch (Đại học Utrecht, Hà Lan) cho biết nghiên cứu dựa trên công trình đã thực hiện trước đó về các kháng thể có thể tiêu diệt SARS-CoV.
Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư sinh học tế bào Frank Grosveld tại Trung tâm Y tế Erasmus (Rotterdam, Hà Lan) cho biết: "Phát hiện này cung cấp nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu sau này nhằm phát triển phương pháp điều trị COVID-19".
Khi kết quả nghiên cứu được công bố, giới khoa học thế giới đều tỏ ra vui mừng. Tuy vẫn có những hạn chế nhất định (như việc ngăn chặn sự lây nhiễm hoàn toàn dựa trên công việc nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm và thực hiện trên động vật mà chưa triển khai trên con người), tất cả đều đặt nhiều hi vọng vào phát hiện mới này và ủng hộ việc phát triển thêm kháng thể 47D11 như phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ tháng 12/2019, đến nay dịch đã lan ra toàn cầu, các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với việc nghiên cứu thuốc điều trị và tìm ra vắc xin ngừa virus corona.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét