Bé Trương Trần Vĩnh Khang năm nay 8 tuổi được biết đến là một trong những tài năng nhí nổi bật từng tham giác các cuộc thi Tiếu Lâm Tứ Trụ Nhí, Người Hùng Tí Hon… Vĩnh Khang thường ấn tượng với khán giả bằng sự hoạt ngôn, lém lỉnh cùng nét diễn hồn nhiên, đáng yêu.
Trong chương trình Điều Con Muốn Nói, Vĩnh Khang kể mẹ là dược sĩ, ba tham gia sinh hoạt trong quân đội. Khi ba mẹ thông báo có thêm em, Vĩnh Khang hào hứng đọc truyện cho em bé trong bụng mẹ, nhưng khi em ra đời, em bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi trong gia đình.
Vĩnh Khang thổ lộ: “Trước đây, mẹ hay đọc sách cùng con nhưng từ lúc mẹ sinh em, con phải đọc một mình vì mẹ phải trông em, ba bận làm việc. Con phải chờ em ngủ mới được đọc sách hoặc chơi cùng. Đôi lúc, con tự hỏi tại sao lại phải có thêm em vậy?”. Vĩnh Khang thổ lộ nhớ những lúc cùng mẹ đọc đọc sách. Em còn mang quyển sách Con đã lớn khôn và giới thiệu đây là quyển sách yêu thích của hai mẹ con.
Vĩnh Khang dù chạnh lòng khi mẹ không còn dành nhiều thời gian nhưng em rất thương mẹ và em trai. Cậu bé kể rằng đã dành dụm tiền mua hoa tặng mẹ trong ngày Quốc tế Phụ nữ để mẹ vui. Em cũng phụ mẹ trông em, dù đôi lúc cậu em trai gần 2 tuổi cắn tay Vĩnh Khang bật máu. Cậu bé kể: “Những ngày ba đi trực, em quấy khóc, mẹ vừa bế em vừa dạy con nấu cơm, có hôm đến tận 9- 10 giờ tối, hai mẹ con mới ăn cơm”.
Xúc động trước những tâm sự của con, chị Như Quỳnh (mẹ Vĩnh Khang) thổ lộ dù chuẩn bị tâm lý có thêm em cho Vĩnh Khang nhưng con vẫn chạnh lòng vì đã quen với sự quan tâm tuyệt đối của ba mẹ. Chị kể, trước đây cuộc sống gia đình chưa ổn định, hai vợ chồng chưa có dự định sinh thêm con nhưng qua một chương trình truyền hình, Vĩnh Khang thổ lộ muốn mẹ sinh thêm em để chơi cùng. Từ đó, anh chị lên kế hoạch sinh thêm con thứ 2.
Cùng xuất hiện trong chương trình còn có anh Bảo Huy (ba Vĩnh Khang), anh cho biết mỗi ngày thường tâm sự cùng con nhưng đến hôm nay anh mới được lắng nghe những chất chứa trong lòng con trai: “Tôi bất ngờ bởi con luôn thể hiện sự tươi sáng, hồn nhiên với mọi người. Đến chương trình, tôi đoán Vĩnh Khang sẽ kể những câu chuyện vui vẻ trong gia đình. Lời con nói khiến hai vợ chồng không thể ngừng rơi nước mắt. Hiểu hơn về con, chúng tôi thấy bản thân còn nhiều thiếu sót trong việc quan tâm, nuôi dạy Vĩnh Khang”. Anh kể từ nhỏ, Vĩnh Khang đã rất ngoan ngoãn và tự lập, biết giúp đỡ ba mẹ sắp xếp quần áo, nấu ăn cũng như chăm em.
Lắng nghe câu chuyện, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A ấn tượng với cách ba mẹ Vĩnh Khang rèn luyện tính tự lập và luôn luôn bên cạnh làm người bạn đồng hành với con: “Ba mẹ đã khéo léo thông báo, chuẩn bị và tập quen dần với ý nghĩa sẽ có thêm một em bé trong nhà nhưng cuối cùng vẫn có những giọt nước mắt của con, việc làm ba mẹ chưa bao giờ dễ dàng”. Nữ tiến sĩ khẳng định ở độ tuổi của Vĩnh Khang, em vẫn còn là một cậu bé dễ hoang mang, hờn tủi và ba mẹ cần kiên nhẫn hơn để khám phá “thế giới tâm tư đầy bí ẩn của con”. Khi con trẻ có những “vết gợn” trong lòng, phụ huynh hãy đón nhận và điều chỉnh, thay đổi.
Ốc Thanh Vân cũng cho biết ngày hôm nay cô được nhìn thấy bé Vĩnh Khang đầy trưởng thành, sâu sắc khi hiểu được sự vất vả của ba mẹ, trái với một cậu bé ngây thơ, hồn nhiên cô từng gặp. Phụ huynh mong muốn nuôi dưỡng, dành trọn sự yêu thương cho các con nhưng vì áp lực cuộc sống, công việc, kinh tế… không tránh khỏi những lúc xao lãng với con cái. Cô kể, thời điểm sinh bé thứ hai, cô tự trách bản thân khi nhìn thấy bàn tay con gái Coca lấm lem, lâu ngày không được mẹ cắt móng: “Tôi thấy bản thân thiếu sót, dù trước đó luôn quan sát và chăm sóc con cái. Trong nhà, khi có thêm một hoặc vài đứa em, con trẻ sẽ có những thiệt thòi nhất định”.
Câu chuyện của Vĩnh Khang sẽ giúp phụ huynh nhận ra những khác biệt trong suy nghĩ, hành động của con trẻ, cùng tâm lý bị bố mẹ “cho ra rìa” khi gia đình xuất hiện thêm thành viên. Điều Con Muốn Nói gợi mở cho ba mẹ khi gặp các tình huống tương tự, hãy trao đổi và khẳng định rằng “dù có thêm em, con trẻ vẫn là tình yêu không thể thay thế”, để trẻ dần dần đón nhận sự thay đổi. Bên cạnh đó, ba mẹ cần tìm cách lôi kéo trẻ vào việc chăm sóc em để trẻ thấy có trách nhiệm và không cảm thấy bị “bỏ rơi”.
0 nhận xét