Covid-19 khiến nhiều người thay đổi quan điểm sống?
Gia đình chị Mai Hương (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vừa chốt bán xong căn nhà gần 50m2 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) với giá 5 tỷ đồng. Số tiền này chị Hương dành một phần để mua căn hộ ở khu đô thị sinh thái cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, một phần sắm chiếc ô tô để gia đình tiện việc di chuyển.
Chị Hương cho hay, sau 3 năm sống trong nội đô, cả gia đình chị đều cảm thấy “vỡ mộng”. Căn nhà cũ của gia đình nằm trong con ngõ nhỏ, xung quanh nhà cửa san sát, nên gần như lúc nào cũng thiếu ánh sáng, phải bật điện cả ngày lẫn đêm.
Nội đô Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng quá tải hạ tầng, không khí ô nhiễm, khiến nhiều gia đình trẻ có xu hướng chuyển nhà ra vùng ven. Ảnh: Hữu Nghị |
Không gian nhà bí bách, xung quanh cũng lại thiếu khu vui chơi cho trẻ nên cuộc sống lúc nào cũng cảm thấy ngột ngạt. Có ý định mua nhà ven đô cách đây 1 năm nhưng dịch Covid-19 bùng phát, cả gia đình chị Hương mới hạ quyết tâm chuyển nơi ở bằng mọi giá.
“Từ khi có dịch bệnh, lúc nào cũng quanh quẩn 4 bức tường, cảm thấy tù túng, mệt mỏi vô cùng. Tôi và chồng đều nghĩ rằng, không thể cứ sống thế này mãi được, mình cũng phải thay đổi để hưởng thụ cuộc sống. Hai vợ chồng đều trẻ nên chúng tôi quyết định rất nhanh, từ khi bán nhà đến lúc mua nhà mới chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng“, chị Hương kể.
Chị Hương nói thêm, chỗ ở mới của gia đình cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 phút lái xe. Số tiền bán nhà nội đô vừa đủ để chị mua 1 căn chung cư mới ở ngoại thành, 1 chiếc ô tô 4 chỗ cho cả gia đình lại vẫn để dành tiết kiệm được 1 khoản kha khá trong tài khoản.
“Sáng hai vợ chồng lái xe ô tô đi làm, tôi cũng gửi xe máy ở gần cơ quan chồng để tiện việc đi lại phòng những hôm tắc đường. Có xe ô tô, cả nhà thích lại vi vu đi dã ngoại ở đâu đó cuối tuần. Nói chung tôi thấy khá hài lòng với sự thay đổi này”, chị Hương hào hứng nói.
Sau đại dịch Covid-19, thông tin tìm nhà đất ở vùng ven, ngoại thành Hà Nội nhận được sự quan tâm đáng kể |
Chia sẻ với PV, chị Minh Nhuệ, một môi giới BĐS khu vực Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, thực tế xu hướng “bán nhà nội đô, chuyển ra ngoại thành sống” không phải là mới. Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình đặc biệt là các gia đình trẻ thích chọn lựa mua nhà ở vùng ven, trong các khu đô thị sinh thái để ở. Có điều kiện hơn, thì họ lựa chọn mua đất nền làm nhà vườn, xây biệt thự.
“Hiện nay, hạ tầng kết nối giao thông khá đồng bộ, nên việc đi lại khá thuận tiện. Từ các vùng ven, di chuyển vào trung tâm Hà Nội làm việc chỉ mất khoảng 15-20 phút lái xe, cuộc sống lại thảnh thơi, dễ thở hơn nhiều so với việc chen chúc trong nội đô chật chội”, chị Nhuệ phân tích.
Nhiều gia đình trẻ "tối ở nông thôn, sáng đi ô tô vào thành phố làm việc”
Môi giới này thừa nhận, sau đại dịch Covid-19, thông tin tìm nhà đất ở vùng ven, ngoại thành Hà Nội nhận được sự quan tâm đáng kể. Đây là tín hiệu lạc quan cho thị trường BĐS ven đô trong bối cảnh ảm đạm chung của thị trường.
“Tôi nghĩ dịch bệnh cũng là một trong những tác nhân khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ về nơi ở. Thay vì quan tâm đến việc ở gần trung tâm bằng mọi giá, họ sẽ ưu tiên chất lượng cuộc sống hơn”, chị Nhuệ khẳng định.
Xu hướng “Tối ở nông thôn, sáng đi ô tô vào thành phố làm việc” đang được nhiều gia đình trẻ hưởng ứng. Ảnh: Ngọc Diễm |
Trước đó, chia sẻ với PV báo Dân trí, ông Đỗ Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ID Green thừa nhận, trong quý 1/2020, dịch bệnh không ảnh hưởng quá nhiều tới phân khúc đất nền tỉnh lẻ và BĐS nghỉ dưỡng vùng ven. Thậm chí, đại dịch Covid-19 còn kích thích phân khúc này tăng trưởng. Về lâu dài, ông Cương cho rằng, BĐS vùng ven sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển.
“Thứ nhất, cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối giữa các đô thị lớn với vùng ven ngày càng được hoàn thiện. Thứ hai, do các đô thị lớn đang thiếu quỹ đất, nên nhiều “ông lớn” trong ngành BĐS đã có sự chuyển dịch đầu tư sang vùng ven. Có thể thấy, các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh,... đều xuất hiện các dự án nghìn tỷ đã và đang được hoàn thiện.
Thứ ba, xét dưới góc độ đầu tư, giá trị đất tại vùng ven dễ chịu hơn rất nhiều so với các dự án trong trung tâm thành phố, tạo điều kiện cho nhà đầu tư vốn mỏng tham gia thị trường", ông Cương phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nay quan điểm "sống" của người dân cũng đang thay đổi. Trong đó, xu hướng “tối ở nông thôn, sáng đi ô tô vào thành phố làm việc” đang được rất nhiều gia đình trẻ hưởng ứng.
“Hiện nay, các hộ gia đình trẻ chủ yếu sống trong chung cư với không gian chật chội, không khí ô nhiễm. Hơn thế, thu nhập của một bộ phận người dân được nâng cao và họ muốn tìm đến một môi trường sống tốt hơn cho bản thân và gia đình, nên BĐS vùng ven vẫn tiếp tục thu hút người dân chuyển tới sinh sống”, ông Cương nói.
Theo Dantri
0 nhận xét