Open top menu
Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Hiện hành, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 khi tín hiệu đèn giao thông màu xanh là được đi. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định, khi tín hiệu đèn giao thông màu xanh là được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao.

Ngày 8/5, trao đổi về đề xuất này với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng, về mặt lý thuyết thì đây là điều đúng nhưng thực tế rất khó áp dụng tại Việt Nam.

Ông Thụ bày tỏ: "Quy định thì vẫn là quy định, các cơ quan quản lý thì cứ nghĩ ra nhưng có thực hiện được không mới là điều quan trọng. Việc quy định không rõ ràng đèn xanh được đi hay dừng lại trong trường hợp ùn tắc như thế nào dễ dẫn đến sự tranh cãi khi người tham gia giao thông bị xử phạt.

Nhiều quy định về giao thông được đưa ra nhưng khó áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.

Hơn nữa, hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa đáp ứng được thực hiện quy định này. Trên thế giới họ có nhiều con đường kết nối với nhau, không đi đường này thì đi đường khác. Như thế, khi có ùn tắc thì tự động người tham gia giao thông sẽ rẽ sang một hướng khác.

Còn ở Việt Nam thì hạ tầng còn đang hạn chế, nếu không đi hướng đó thì chẳng biết đi hướng nào. Bên cạnh đó, vào giờ cao điểm thì cung đường nào cũng đặt trong tình trạng báo động ùn tắc thì người tham gia giao thông phải di chuyển đi đâu?"

Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Hữu Đức lại cho rằng, đề xuất này của Bộ GTVT cũng có cơ sở pháp lý, đúng với lý thuyết giảm, tránh ùn tắc giao thông. Nhưng đây không phải luật mà nó thuộc về "tục" nhiều hơn.

"Ở nước ngoài họ áp dụng thành công là do "tục" như thế này rất phát triển do ý thức tham gia giao thông của họ rất cao. Như việc họ đang đi đường mà thấy đoàn học sinh đi ngang qua thì lập tức họ dừng lại ngay để nhường đường mà không cần có quy định nào cả. Như thế là văn hóa giao thông, mà văn hóa thì còn cao hơn luật.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì văn hóa giao thông luôn bị đánh giá kém, mạnh ai người ấy đi. Trong khi luật đưa ra lại không quy định rõ ràng nên mới xảy ra tình trạng hỗn độn trong tham gia giao thông" - ông Đức chia sẻ.

Từ đó, ông Đức cho rằng, việc đề xuất người tham gia giao thông không được đi đến khu vực có ùn tắc kể cả khi có tín hiệu đèn xanh sẽ khó áp dụng vào thực tế mà quan trọng nhất là người giám sát, hướng dẫn tại các điểm ùn tắc và nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Cũng trao đổi về vấn đề này với Nhịp sống trẻ dưới góc độ luật, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định:

"Việc đưa nội dung này vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế phần nào ùn tắc giao thông; tuy nhiên, các nhà làm luật cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua nội dung này, có thể thí điểm khuyến khích người dân áp dụng trước, nếu đạt hiệu quả tốt thì hãy cấm như trên.

Đồng thời, tôi cũng kiến nghị nhà làm luật sửa đổi từ "được đi" thành "phải đi" khi tín hiệu đèn giao thông màu xanh; như vậy, sẽ tránh được trường hợp khi đèn giao thông báo hiệu màu xanh mà có người không chịu đi dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, thậm chí là tai nạn giao thông xảy ra".

Ngoài ra, tại Dự thảo lần này, cũng nêu rõ khi đèn giao thông có tín hiệu màu đỏ, màu vàng. Cụ thể như sau:

1. Tín hiệu đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Như vậy, Dự thảo đã nêu một cách chi tiết, rõ ràng hơn so với quy định hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định "Tín hiệu đỏ là cấm đi")

2. Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Trường hợp đã đi quá vạch dừng, đèn tín hiệu hoặc đã quá gần vạch dừng, đèn tín hiệu mà nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp náy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét