Theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: “Dự thảo Luật BVMT(sửa đổi) có một số nội dung mới cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, hoàn thiện và đề xuất Quốc hội xem xét, phê chuẩn nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật, sự phù hợp của một số điều khoản với tình hình thực tế”.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây Dựng. |
Ông cũng đưa ra quan điểm rằng, nội dung của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) còn nhiều vấn đề cần quan tâm xem xét. Trong đó cần xem xét lại 07 nội dung cụ thể:
1, Quy hoạch bảo vệ môi trường: Điểm đ khoản 3 Điều 30 - Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia: Chưa đầy đủ thiếu các công trình xử lý nước thải, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng... Mặt khác tại Điều 31 Không thấy gắn kết Quy hoạch BVMT quốc gia với nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
2, Giấy phép môi trường: Đây là nội dung mới của dự thảo Luật lần này. Trong dự thảo đã quy định khá kỹ đối tượng, nội dung, thẩm quyền, các thủ tục hành chính. Do tích hợp nhiều loại giấy phép trước đây thành một giấy phép duy nhất vì vậy cần có làm rõ yếu tố đặc thù của từng đối tượng được cấp để có quy định phù hợp tránh hiểu rằng đây là phép cộng của các loại giấy kia.
3, Các quy định có liên quan đến Ứng phó với biến đổi khí hậu:
- Thứ nhất: Nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) chỉ được quy định có 8 điều từ Điều 94 đến Điều 101. Nội dung chưa đầy đủ, chưa bao quát về ứng phó với biến đổi khí hậu; các khái niệm tại điều 94,95, 96,97 nên đưa về điều 3. Các trách nhiệm, quản lý nhà nước… nên đưa về 1 điều và chuyển về chương 14. Nếu như vậy nội dung của chương này còn lại rất ít.Cần bổ sung thêm nội dung thích ứng.
- Thứ hai: Điều 98 Lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH mới chỉ vào hệ thống chiến lược, quy hoạch là chưa đầy đủ cần bổ sung thêm vào trong chương trình, kế hoạch và dự án song song bổ sung nội dung lồng ghép là gì? Mặt khác mới chỉ quy định nội dung lồng ghép là chưa đầy đủ cần bổ sung quy trình lồng ghép như thế nào?
Nhiều nội dung được trình bày gần như chương trình hành động quốc gia hay chiến lược, định hướng, chưa thể hiện rõ những điều luật bắt buộc phải tuân thủ. Các quy định về ứng phó với BĐKH còn khá chung chung mà chưa thể hiện cơ chế ứng phó cụ thể... Các nội dung liên quan đến ứng phó BĐKH tại Dự thảo “hình như” được trích dẫn từ một số cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn)….
4, Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung: Tại khoản 4 Điều 59 "Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí, chứng nhận khu đô thị sinh thái đối với các khu đô thị, khu dân cư tập trung”. Quy định này không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ TNMT.
Đô thị sinh thái, đô thị thông minh trước hết phải là đô thị và đây là một trong những mô hình phát triển đô thị, và việc quản lý phát triển đô thị thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng vì vậy cần phân định rõ tránh chồng chéo ngay tại Luật.
5, Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng: Tại Khoản 1 Điều73 Luật BVMT 2014 Quy định "Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường” Luật BVMT 2014 chúng tôi đã đề nghị làm rõ nội hàm của việc tuân thủ này, không nên chung chung và đặt ra như hô khẩu hiệu như vậy. Thế nhưng trong dự thảo lần này vẫn đưa vào và còn thêm “thích ứng với biến đổi khí hậu”?.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đưa ra ý kiến xem xét lại các quy định về quản lý chất thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường,nước thải, bụi và khí thải trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). |
6, Các quy định về quản lý chất thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, nước thải, bụi và khí thải: Hành văn của một số khoản, điểm trong phần này thường dài, có tính giải thích, không phù hợp với yêu cầu ngắn gọn, rõ ràng của ngôn ngữ luật.
- Quy định quản lý nước thải chỉ tập trung ở 3 điều là quá sơ sài; điều 90 và 91 có nhiều nội dung trùng lặp, Chính phủ quy định chi tiết chỉ cho điều 90 là không đầy đủ và toàn diện. Điều 90 nên tập trung vào Thu gom nước thải và điều 91 là xử lý nước thải. Cần làm rõ hơn và cụ thể hơn quy định quản lý nước thải theo từng đối tượng. Trong quy định mới chỉ đề cập đến "xử lý tại chỗ” là chưa đầy đủ, trong thực tế có nhiều hình thức/mô hình: Xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải phi tập trung (phân tán)….Cần quy định rõ hơn về lựa chọn công nghệ xử lý nước thải;
- Trong nhiều khu đô thị, khu dân cư tập trung phần lớn là hệ thống thoát nước chung: Nước mưa và nước thải. Vậy quản lý thoát nước mưa được quy định tại văn bản luật nào? Cần thiết phải bổ sung vào Luật này chứ.
- Khoản 6 Điều 90: Có quy định: "Tổ chức, cá nhân… xả thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải phải nộp Phí thu gom, xử lý nước thải theo quy định” là hoàn toàn không hợp lý không phù hợp với các quy định hiện hành và Luật phí và lệ phí. Trên thực tế không có Phí này mà đã được quy định tại Giá dịch vụ thu gom, xử lý nước thải – Đề nghị cần phải thay đổi và sửa lại cụm từ này cho phù hợp với các quy định hiện hành.
- Khoản 8, điểm a và khoản 9 Điều 66 liên quan đến quy định về quản lý bùn thải từ bể tự hoại, từ hệ thống thoát nước cần đưa về Điều 91 mới hợp lý.
7, Về trách nhiệm các Bộ, ngành: Nhiều quy định chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, cần có sự rà soát lại cho rõ ràng đảm bảo tính ổn định, đầy đủ, đồng bộ và không chồng chéo.
Ngoài ý kiến về 7 nội dung cụ thể nêu trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ Tầng, Bộ Xây Dựng cũng cho rằng: "Luật BVMT được cả xã hội quan tâm, nhiều nội dung điều chỉnh của Luật liên quan trực tiếp đến các hoạt động của doanh nghiệp.
Vì vậy cần lấy thêm các ý kiến của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực môi trường (Nước thải, Xử lý chất thải rắn, Môi trường, ...).
Mặt khác các quy định cũng cần đảm bảo tính khách quan, đồng bộ có tính kế thừa, trách nhiệm đúng người đúng việc và cũng tránh mâu thuẫn, trùng lặp các Luật khác đã quy định”.
0 nhận xét