Giấy phép khai thác đất san, lấp do UBND tỉnh Hòa Bình cấp ngày 20/9/2019 cho phép hộ gia đình ông Phùng Xuân Quang địa chỉ trên giấy phép: Văn Minh, Yên Quang, Kỳ Sơn, Hòa Bình* khai thác với diện tích 6.336m2, khối lượng đất san, lấp khai thác là 96.892m3. Giấy phép này nêu rõ “khai thác đất san, lấp khi thực hiện việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp”.
Vậy việc thực hiện diễn ra như thế nào? Theo phản ánh của người dân địa phương, kể từ khi đi vào hoạt động, đơn vị khai thác gần như tận dụng mọi thời gian trong ngày. Xe cộ, máy móc ra vào ầm ì suốt ngày, xe trọng tải lớn chở đất mà không che chắn đầy đủ, có dấu hiệu quá tải nườm nượp khiến đoạn đường từ mỏ dẫn ra.. bị cày phá thảm hại.
Lối vào mỏ khai thác đất dưới bóng công trình cải tạo đất nông nghiệp. |
Trong vài giờ đồng hồ PV ghi nhận tại lối ra khu mỏ, hàng chục xe trọng tải lớn (loại Howo 4 chân – PV) chở theo khối lượng đất vượt quá thành thùng nối đuôi nhau “hạ sơn”. Mỗi chiếc xe đều được một người đợi sẵn bên ngoài ghi chép, trao đổi một điều gì đó rồi mới tiếp tục hành trình. Dòng xe mang nặng đất từ trong mỏ ra bao nhiêu thì dòng xe rỗng thùng, chạy ngược chiều lao lên mỏ cũng nhiều bấy nhiêu.
Dòng xe rầm rập mỗi ngày, cày nát con đường nối UBND xã tới tỉnh lộ 446. |
Cận cảnh thùng xe có hàn nối thành thùng, không chắn vô tư ra vào mỏ đất. |
Quan sát từ phía tỉnh lộ 446 công trình cải tạo đất nông nghiệp được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép như bị phơi bày, màu xanh của phần lớn triền đồi bị đánh bạt, thay vào đó là vết đào xúc nham nhở, góc trời nhỏ ở xóm Văn Minh trở nên vào vọt vì bụi phủ.
Và như đã nêu ở trên, diện tích khai thác mà hộ gia đình ông Phùng Xuân Quang được cho phép cải tạo là 6.336m2, nhưng theo quan sát thì diện tích đang khai thác đã vượt quá nhiều lần. Mặc dùng đến tháng 7/2020 giấy phép khai thác hết thời hạn, tuy nhiên với mức độ khai thác cấp tập như hiện tại, không loại trừ trường hợp đơn vị khai thác đã khai thác vượt giấy phép của UBND tỉnh Hòa Bình.
Phần đồi xanh biến mất liệu có nằm trong con số 6.336m2? |
Điều đáng nói, đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng Quyết định 36/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình để tổ chức khai thác đất kiếm lời, núp dưới cái bóng công trình cải tạo đất nông nghiệp theo chủ trương của tỉnh.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có những trao đổi với ông Ngô Văn Quyền – Bí thư Đảng ủy xã Yên Quang. Ông Quang cho biết, đối với hoạt động của mỏ, “Phạt lên phạt xuống nhiều lần nhưng cũng khó. Cảnh sát môi trường, phòng Quản lý đô thị cũng đã kiểm tra, cũng làm nhưng không hết. Cũng khó, mình cũng phải chia sẻ”.
Tiếp tục câu chuyện với PV, ông Quyền nói, “Bây giờ chỉ còn một mỏ, ngày xưa 7 mỏ cơ. Xe quá khổ, quá tải khi đó chạy rầm rập, có lúc người dân còn phải chặn xe không cho hoạt động”. Về tình trạng xe có dấu hiệu quá tải vẫn đang diễn ra, ông Quyền quả quyết “Làm gì mà đúng tải được”. Đồng thời, Bí thư Đảng ủy xã Yên Quang nêu quan điểm cần đặt trạm cân để xác định trọng tải các xe từ mỏ qua đó có những bước xử lý đủ răn đe.
Đối với trách nhiệm xử lý, ông Quyền cho biết sẽ có ý kiến với phía UBND xã, đôn đốc thực hiện nhằm giải quyết bức xúc cho người dân.
Trước thực trạng này, nhiều người đặt vấn đề về trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Quang Tiến mà người phụ trách là Chủ tịch UBND xã.
* Hiện tại xã Yên Quang đã sát nhập với xã Phúc Tiến thành xã Quang Tiến; huyện Kỳ Sơn đã sát nhập vào TP.Hòa Bình nhưng bài viết vẫn sử dụng tên gọi đơn vị hành chính trên giấy phép để tiện cho độc giả theo dõi. |
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
0 nhận xét