Trao đổi với TTXVN, ông Lương Xuân Dương, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội), bắt đầu từ 8h ngày 7/5, trước sự chứng kiến của đại diện Tòa án Nhân dân quận, Viện kiểm sát Nhân dân quận, các tổ chức chính trị-xã hội và đại diện tổ dân phố thuộc địa bàn dân cư số 6, số 12 phường Điện Biên, lực lượng cưỡng chế của quận Ba Đình tiến hành mở khóa cửa các căn hộ tại tầng 18 công trình số 8B Lê Trực (do chủ đầu tư không phối hợp khi thực hiện).
Sau khi mở khóa, lực lượng cưỡng chế đã tiến hành kiểm kê vật dụng, đồ đạc, trang thiết bị bên trong các căn hộ (tại tầng 18).
Tất cả mọi vật dụng, đồ đạc, trang thiết bị này sẽ được tháo dỡ, niêm phong để đưa về nơi lưu giữ theo quy định tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa. Mọi công tác kiểm kê, tháo dỡ được lực lượng cưỡng chế ghi nhận bằng biên bản và ghi hình.
Sau khi hoàn thành tháo dỡ vật dụng, đồ đạc, trang thiết bị trong các căn hộ tại tầng 18, dự kiến ngày 12/5/2020, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam sẽ tiếp quản mặt bằng và tiến hành tháo, phá dỡ theo phương án, giải pháp đã được phê duyệt, ông Dương cho hay.
Chuẩn bị cho việc tháo dỡ phần vi phạm giai đoạn 2 của dự án 8B Lê Trực. Ảnh: TTXVN. |
Toàn bộ quá trình tháo và phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực sẽ được đơn vị tư vấn giám sát thi công là Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn xây dựng VNT Việt Nam.
Để đảm bảo an toàn, Ủy ban Nhân dân quận đã giao Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên ký Hợp đồng với Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội - Sở Xây dựng để thực hiện khảo sát hiện trạng công trình liền kề, thiết lập hệ thống quan trắc khu vực cưỡng chế vi phạm.
Theo UBND quận Ba Đình, đến nay, chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực vẫn không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình cưỡng chế phần công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Về phí chủ đầu tư, theo Vnexpress, ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư) cho biết, đơn vị nhận được thông báo nhưng không được tham gia khi chính quyền mở khóa tầng 18. Chủ đầu tư đã đề xuất với phường mời người dân đến để tháo dỡ, di chuyển đồ đạc, nhưng không được chấp thuận.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hương, đại diện pháp lý cho chủ đầu tư, thông báo việc mở khóa tầng 18 không được gửi đến tay chủ đầu tư mà được dán ở trước cửa dự án. Chính quyền cáo buộc chủ đầu tư không hợp tác là "không đúng", vì chủ đầu tư có mặt tại hiện trường từ rất sớm nhưng không được vào.
Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình, cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội khoảng 300 m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ chủ tịch chừng 500 m, tính theo đường chim bay. Chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng.
Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một. Cuối năm 2019, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm vi phạm tại nhà 8B Lê Trực để "đảm bảo kỷ cương, pháp luật", đồng thời nêu rõ việc xử lý phải đảm bảo an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Theo lãnh đạo Chính phủ, từ năm 2015 đến 2018, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý vi phạm tại nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội "rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại kéo dài".
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP. Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Hà Nội sớm giải quyết 10 tồn tại trên địa bàn Thủ đô, trong đó có sai phạm tại dự án 8B Lê Trực.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Nhật Hạ (tổng hợp)
0 nhận xét