Cập nhật lúc 6h00 ngày 19-4-2020: Thế giới: 2.260.750 người mắc; 154.712 người tử vong, trong đó: - Hoa Kỳ: 710.272 người mắc; 37.175 người tử vong. - Italy: 172.434 người mắc; 22.745 người tử vong. - Tây Ban Nha: 190.839 người mắc; 20.002 người tử vong. - Pháp: 147.696 người mắc; 18.681 người tử vong. Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19. Ngày thứ 3 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 Tổng cộng 201 người đã được chữa khỏi. 16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1). 182 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 06/3 đến ngày 18/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2). |
Cập nhật dịch Covid-19 mới nhất: Việt Nam không có ca mắc mới trong 72 giờ liên tiếp
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến 6 giờ ngày 19/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, đánh dấu tròn 3 ngày, không có ca mắc mới, kể từ ngày 7/3 khi ca bệnh số 17 xuất hiện.
Trong số 268 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).
Trong ngày 18/4, ba bệnh nhân nước ngoài đã được công bố khỏi bệnh gồm: một bệnh nhân người Anh số 97 tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, hai bệnh nhân số 151, 207 người Brazil tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, đưa số bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh tại Việt Nam lên 201 người.
Cả nước hiện còn 67/268 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở khám chữa bệnh bao gồm bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến, trong đó có ba bệnh nhân nặng, số còn lại đều có sức khỏe ổn định.
Thông tin từ các cơ sở khám chữa bệnh cho biết, đến sáng 19/4, đã có 14 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và 6 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
Cập nhật dịch Covid-19 mới nhất trên thế giới
Tính đến 6h sáng ngày 19/4, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 2.324.549 trường hợp, trong đó 160.421 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 595.410 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất trên thế giới, đến nay, đã ghi nhận thêm 27.055 ca mắc và 1.766 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 736.790 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 38.920 trường hợp.
Một số bang tại Mỹ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Bang Texas và bang Vermont sẽ cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại từ ngày 20/4, còn Montana sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ 24/4.
Tuy nhiên, một số thống đốc bang đã cảnh báo họ sẽ không vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế của mình trong bối cảnh hiện nay.
![]() |
Tại châu Âu, Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu, nhưng số ca điều trị tích cực tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 18/4 công bố nước này hiện có 25.007 ca nhập viện với các triệu chứng mắc COVID-19, trong đó số ca phải điều trị tích cực là 2.733, giảm 79 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 3.491 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên 175.925 trường hợp. Trong đó, tổng số ca tử vong là 23.227 trường hợp (tăng 482 ca). Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, cũng ghi nhận số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm, với 947 trường hợp (giảm 24 ca).
Các các quan chức Italy khẳng định nước này đã ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh COVID-19 lây lan xuống các vùng nghèo hơn ở phía Nam, những nơi ít chuẩn bị cho đại dịch hơn là vùng giàu có ở phía Bắc. Italy vẫn có chút may mắn khi dịch bùng phát chủ yếu ở những tỉnh giàu có phía Bắc, nơi có hệ thống y tế vững chắc hơn nhiều so với vùng phía Nam.
Sáu tuần trước, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo nước này có thể chiến thắng dịch bệnh được hay không phụ thuộc vào hiệu quả công tác kiềm chế tại vùng tâm dịch ở phía Bắc. Ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến mạnh dần, Thủ tướng Conte đã sớm quyết định áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, lần đầu tiên được triển khai tại một quốc gia phương Tây trong thời bình.
![]() |
Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cùng ngày thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa trên tòa quốc đến ngày 9/5 tới, trong bối cảnh quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.
Đến nay, nước này đã ghi nhận tới 191.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 20.043 ca tử vong. Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 14/3 vừa qua. Theo quy định mới, lệnh hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng một chút nhằm cho phép trẻ em có thời gian ra ngoài, bắt đầu từ ngày 27/4 tới.
Pháp tính đến hết ngày 18/4 là có 151.793 ca nhiễm Covid-29 sau khi ghi nhận thêm 3.824 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong ghi nhận trong ngày là 642, nâng tổng số ca tử vong lên 19.323.
![]() |
Anh ghi nhận thêm 5.525 ca mắc mới và 888 ca tử vong vì dịch bệnh. Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chính thức đề nghị hủy các sự kiện đặc biệt tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của bà dự kiến vào ngày 21/4 tới, cũng như sẽ không có bắn đại bác chào mừng. Thông thường, bắn đại bác chào mừng tại nhiều địa điểm ở thủ đô London là điều không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của Hoàng gia Anh và đây có lẽ là lần đầu tiên trong 68 năm trị vì Nữ hoàng đưa ra yêu cầu này.
Ngày 18/4, Đức ghi nhận thêm 1.945 ca mắc mới và 107 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 143.342 trong đó có 4.459 ca tử vong.
Đức hôm 17/4 tuyên bố việc phong tỏa một tháng đã giúp kiểm soát được đại dịch và có kế hoạch sản xuất 50 triệu khẩu trang mỗi tuần từ tháng 8 để đảm bảo kiểm soát dịch khi nới lỏng các hạn chế. Các cửa hàng nhỏ hơn sẽ được phép mở cửa trở lại từ 20/4 và một số trẻ em có thể sớm trở lại trường trong vòng vài tuần, ngay cả khi các nước châu Âu như Pháp, Anh kéo dài hạn chế.
Tại Nga, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Nước này ghi nhận thêm 4.785 ca mắc và 40 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 36.793 trường hợp, trong đó 313 trường hợp tử vong.
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh tại Nga đều ở độ tuổi dưới 60. Cơ quan giám sát và bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng liên bang Nga (Rospotrebnadzor), cho biết, trong cấu trúc tuổi của những ca mắc bệnh tại Nga có đến 80% là người dưới 60 tuổi, 5% là trẻ em và chỉ 15% là những người trên 60 tuổi. Lý do người già tại Nga ít bị mắc bệnh là do thế hệ lớn tuổi ở Nga đã được bảo vệ tối đa khi họ tuân thủ nghiêm túc giãn cách xã hội hơn người trẻ tuổi.
Tại châu Á, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 80.868 ca nhiễm và 5.031 ca tử vong. Nước này ghi nhận thêm 1.374 ca nhiễm và 73 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100.
![]() |
Iran đã đóng cửa trường học, hoãn các sự kiện lớn và áp đặt một loạt hạn chế khác nhưng không phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước khác. Chính quyền sẽ cho phép các doanh nghiệp nhỏ ở Tehran mở cửa trở lại vào ngày 18/4, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với bên ngoài thủ đô vào tuần trước. Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế nhưng các quan chức hàng đầu cho rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran khiến họ không thể đóng cửa nền kinh tế.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.719 trường hợp, trong đó có 4.632 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới. Các ca mới ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày vẫn chủ yếu là các ca nhập cảnh.
Hàn Quốc thông báo thêm 18 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới hàng ngày thấp nhất trong hai tháng qua. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tới nay quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.653 ca mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/2 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày dưới con số 20. Trong 5 ngày qua, Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày duy trì dưới mức 30.
![]() |
Tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 6.248 ca nhiễm và 535 ca tử vong, tăng lần lượt 325 và 15 so với hôm qua. Quan chức chính phủ Indonesia cho biết nước này có thể đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 5.
Philippines xếp thứ hai với 6.078 ca nhiễm và 397 ca tử vong, tiếp đó là Singapore 5.992 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Malaysia là vùng dịch lớn thứ tư khu vực với 5.305 ca nhiễm, trong đó 88 người đã chết.
![]() |
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là những nước Đông Nam Á chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19.
0 nhận xét