Hà Nội: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp 30/4 và 1/5
Ngày 24/4, UBND thành phố ban hành Văn bản số 1533/UBND-ĐT về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2020.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Tổng Công ty vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ, kinh doanh vận tải tăng cường bảo đảm TT, ATGT và các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 164/TB-VPCP, ngày 23/4/2020, của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, đáp ứng nhu cầu vận tải trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo trật tự và vệ sinh môi trường tại các bến xe, bến tàu,... đổi mới phương thức bán vé, áp dụng bán vé qua mạng internet, đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, ngăn chặn việc đầu cơ, buôn bán vé, tăng giá vé, giá cước vận tải trái phép; đảm bảo an ninh, an toàn, thuận lợi cho hành khách.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm về hành chính, kinh tế đối với các trường hợp lái xe không tuân thủ, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, TT, ATGT; chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe tăng cường phối hợp với các đơn vị vận tải hành khách công cộng trong việc quản lý phương tiện, xe phải đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; giải tỏa các bến hoạt động trái phép.
Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ; tăng cường bảo đảm TT, ATGT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19;
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24 giờ, xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý dứt điểm các vi phạm lòng đường, lề đường, hè đường và hành lang ATGT để bảo đảm TT, ATGT tại các tuyến đường, các khu vực trọng điểm có nguy cơ tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đảm bảo TT, ATGT đối với loại hình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Xây dựng phương án tổ chức giao thông, đảm bảo ATGT hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, kịp thời giải tỏa ùn tắc đối với các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn trong các thời gian cao điểm, không để phát sinh ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút;
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về an toàn lao động, tổ chức giao thông, bảo đảm TT, ATGT và bảo vệ môi trường trên các công trình giao thông đang thi công trên địa bàn Thành phố; Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị của ngành đường sắt, đường thủy thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các bến tàu, bến đò, cảng đường thủy trên các tuyến sông thuộc địa bàn Thành phố; kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn giao thông tại các vị trí nêu trên và phối hợp với các đơn vị quản lý để có biện pháp khắc phục;
Chủ trì cùng các đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư, các đơn vị chức năng của các tỉnh lân cận lập phương án đảm bảo việc vận hành, lưu thông qua các trạm thu phí đường bộ (dự án BOT).
UBND thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, duy tu, duy trì cầu và đường, cầu đi bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, vá ổ gà để đảm bảo đường, cầu thường xuyên êm thuận; bổ sung, sửa chữa kịp thời các biển báo, rào chắn, sửa chữa đèn tín hiệu, nắp hố ga, nhất là trên các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện giao thông cao,... không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông kém chất lượng; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công tăng cường công tác tổ chức giao thông, bảo đảm giao thông, có người hướng dẫn, không gây ùn tắc giao thông do thi công các công trình.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, Văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố, Thành đoàn Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các báo của Thủ đô tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về TT, ATGT đến các tổ dân phố, cụm dân cư, làng, xóm, thôn, bản, trường học, đoàn viên, thanh niên và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông; đặc biệt quan tâm phòng tránh tai nạn đắm đò, tai nạn xe mô tô, xe khách
Sở Y tế chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Hơn 3.600 tỷ đồng đầu tư vào Nghệ An 4 tháng đầu năm
Các dự án đầu tư được cấp mới chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong nước. Lĩnh vực dịch vụ cũng thu hút nhiều nhà đầu tư mới nhất với 13 dự án “rót” hơn 1.203 tỷ đồng vào Nghệ An, chiếm 68,42% về số lượng dự án và 71,83% về tổng mức đầu tư.
Trong 4 tháng đầu năm 2019 (tính đến 17/4/2020), trên địa bàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư) cho 19 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.675 tỷ đồng; điều chỉnh 18 lượt dự án, trong đó 5 dự án điều chỉnh tổng vốn đầu tư (tăng 1.999,13 tỷ đồng).
Khu công nghiệp VSIP tại Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Trong đó, phân loại theo địa bàn thì đầu tư ngoài khu kinh tế và các khu công nghiệp có 15 dự án/971,81 tỷ đồng (chiếm 78,95% về số lượng dự án và 58,02% về tổng mức đầu tư) được cấp mới và điều chỉnh 10 lượt dự án/vốn điều chỉnh tăng 112,62 tỷ đồng.
Đầu tư trong khu kinh tế và các khu công nghiệp thì cấp mới cho 4 dự án/ 703,2 tỷ đồng (chiếm 21,05% về số lượng dự án và 41,98% về tổng mức đầu tư); điều chỉnh 8 lượt dự án/vốn điều chỉnh tăng 1.886,51 tỷ đồng.
Phân loại theo hình thức đầu tư tỉnh đã cấp mới cho 18 dự án/1.491 tỷ đồng (chiếm 94,74% về số lượng dự án và 89,01% về tổng mức đầu tư) cho các nhà đầu tư trong nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 1 dự án được cấp mới với số vốn 8 triệu USD (chiếm 5,26% về số lượng dự án và 10,99% về tổng mức đầu tư).
Phân loại theo lĩnh vực đầu tư: Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng thu hút được 4 dự án/208,06 tỷ đồng (chiếm 21,05% về số lượng dự án và 12,42% về tổng mức đầu tư). Lĩnh vực dịch vụ thu hút 13 dự án/1.203,18 tỷ đồng (chiếm 68,42% về số lượng dự án và 71,83% về tổng mức đầu tư). Lĩnh vực nông nghiệp thu hút được 2 dự án/263,77 tỷ đồng (chiếm 10,53% về số lượng dự án và 15,75% về tổng mức đầu tư).
Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành rà soát hồ sơ chủ trương đầu tư các dự án ngoài ngân sách còn tồn đọng, vướng mắc. Tỉnh đã tập trung rà soát các dự án chậm tiến độ; từ đầu năm đến nay, đã chấm dứt hoạt động đối với 6 dự án với tổng diện tích đất 163,31 ha, đưa tổng số dự án bị thu hồi đến nay là 174 dự án.
Khoảng 2.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng lưới điện phân phối tại Phú Yên
Sau khi tỉnh Phú Yên có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương bố trí nguồn vốn đầu tư lưới điện phân phối để giải tỏa công suất cho các dự án điện đã và đang được triển khai trên địa bàn (Baodautu.vn đã phản ánh), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này.
Theo thông tin từ buổi làm việc, phía EVN cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hai đường dây 220 kV gồm: ĐD mạch kép Tuy Hòa - Nha Trang, ĐD mạch đơn Tuy Hòa - Phước An và một tuyến 110 kV Nha Trang - Hòa Hiệp - Tuy Hòa - Sông Cầu - Quy Nhơn.
Phú Yên được cấp điện từ 8 TBA 110kV với tổng công suất 335 MVA. Mức mang tải bình quân lớn nhất các TBA 110 kV chỉ khoảng 50%. Hiện EVN đang đầu tư một loạt các dự án 110 - 220 kV trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án nâng công suất TBA 220 kV Tuy Hòa (dự kiến hoàn thành năm 2021) và nhiều dự án 110 kV dự kiến hoàn thành trong các năm từ 2021 - 2023.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị EVN ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng lưới điện 110 - 220 kV để giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Với kiến nghị này, EVN cho biết, hiện nay, lưới điện trong tỉnh đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện đã đưa vào vận hành. Đối với những nhà máy đã có trong quy hoạch (chưa đưa vào vận hành), EVN sẽ tính toán để đầu tư.
Về bố trí vốn, riêng giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 1.065 tỷ đồng đầu tư xây dựng lưới điện phân phối. Trong đó, đã thực hiện giai đoạn 2016 - 2019 là 900 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, EVN dự kiến đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
“Đề nghị UBND tỉnh Phú Yên bố trí quỹ đất cho các dự án điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm và công bố công khai; tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Trung trong công tác bồi thường GPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đặc biệt đối với các công trình tại thành phố và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh”- EVN kiến nghị. Đồng thời, EVN cũng đề nghị tỉnh Phú Yên cung cấp thông tin định kỳ về tình hình phát triển/đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh để EVN và các đơn vị chủ động phối hợp triển khai đồng bộ các công trình lưới điện truyền tải giải tỏa các nguồn điện.
Trước đề xuất này, ông Trần Hữu Thế thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cam kết khi EVN thực hiện đầu tư các dự án lưới điện sẽ tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, đồng thời sẵn sàng chia sẻ việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn để phối hợp cùng EVN trong đầu tư, giải tỏa công suất.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét