Ngày 25/4, nhiều đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phát đi thông báo hoạt động trở lại vào ngày 27/4.
Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, hang Tám Cô cùng các dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm sẽ đón khách trở lại vào ngày 27/4.
Từ ngày 27/4, Jungle Boss cũng sẽ mở cửa để đón du khách đến khám phá Quảng Bình với những sản phẩm độc đáo chưa từng có trước đây với giá cực kỳ sốc.
Trao đổi với báo Thanh niên, ông Hồ An Phong (Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình) cho hay đơn vị đang soạn thảo các hướng dẫn cụ thể cũng như phương án kích cầu du lịch hồi phục trở lại. Do đặc điểm giá trên địa bàn phụ thuộc vào đơn vị quản lý. Phí và lệ phí phải trình HĐND tỉnh, giá dịch vụ môi trường rừng thì thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nên phải chờ các cuộc họp tới đây để quyết định.
“Về phía doanh nghiệp cần phải giảm giá sâu để chuyển loại hình và cơ cấu khách; những tour, tuyến phục vụ khách quốc tế thì phải giảm sâu để phục vụ khách nội địa. Loại hình đại trà có thể giảm 30 % còn loại cao cấp cần giảm 50%. Chúng tôi sẽ ban hành nhiều giải pháp, trước mắt mở cửa trở lại đã, vừa thực hiện thăm dò và đảm bảo phòng dịch. Ngoài ra, về phía quản lý nhà nước cũng cần thực hiện nhanh các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để hồi phục trở lại hoạt động nhanh nhất có thể”, ông Phong chia sẻ thêm.
Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) cho biết sẽ mở cửa bán vé tham quan Khu di tích Mỹ Sơn vào ngày 28/4. Tuy nhiên, Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn cũng yêu cầu du khách phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tham quan.
Trước đó, để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân và du khách khi dịch diễn biến phức tạp, khu di sản này tạm dừng hoạt động từ ngày 16/3.
Sở Du lịch Khánh Hoà cũng cho biết, đã xây dựng những kịch bản tập trung vào thị trường nội địa thời điểm mùa hè tới, trong đó đặc biệt chú trọng phân khúc khách từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tới đây, các điểm đến du lịch tại Nha Trang (Khánh Hoà) sẽ mở cửa trở lại.
Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, đã có Văn bản số 153/SDL-QLDL cho phép các đơn vị lữ hành, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ được đón khách du lịch nội địa, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đến tham quan du lịch. Sở Du lịch tỉnh này yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn khi đón và phục vụ khách du lịch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế đối với khách du lịch, cán bộ, công nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, người lao động tại đơn vị.
Tại Hà Nội, hiện nay các điểm di tích, tham quan vẫn chưa mở cửa, tuy nhiên, nhiều điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hoả Lò, Hoàng thành Thăng Long... đã sẵn sàng các điều kiện mở cửa để có thể sớm phục vụ nhân dân. Giám đốc Trung tâm Hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị vẫn thực hiện vệ sinh môi trường toàn bộ khu di tích hằng ngày, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch để khi mở cửa trở lại bảo đảm an toàn cho du khách.
Theo Công điện khẩn số 11 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 25/4, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được phép đón khách nội tỉnh tham quan du lịch, tắm biển nhưng không quá 10 người/nhóm và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và giãn cách xã hội. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc đón tiếp khách cũng như dịch vụ du lịch, nhưng đây được coi là hoạt động "mở hàng" của du lịch Thanh Hoá sau thời gian dài “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngày 23/4, UBND tỉnh Bình Thuận cho phép các cơ sở lưu trú hoạt động, nhưng không được sắp xếp quá 2 người một phòng và phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng, chống Covid-19. Xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch... chở tối đa không quá 50% sức chứa và không vượt quá 20 người/xe 45 chỗ.
Trong khi đó, với tuyến đường thủy Phan Thiết – Phú Quý sẽ hoạt động mỗi ngày một chuyến khứ hồi; mỗi chuyến không vượt quá 50% số khách theo tải trọng; không vận chuyển khách đến từ những địa phương có nguy cơ và nguy cơ cao.
"Hoạt độg tắm biển trên địa bàn đã được phép", đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Thuận nói. Tuy nhiên, tỉnh tiếp tục tạm dừng các khu, điểm tham quan du lịch; di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh... cho đến khi có chỉ đạo mới.
Trước đó, Đà Nẵng, Bình Định cũng đã cho người dân và du khách tắm biển trở lại nhưng phải đảm bảo không tụ tập đông người cùng lúc.
Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn "tiếp tục cách ly các hoạt động trong xã hội" để phòng chống Covid-19. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động tham quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa; các làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh. Dịch vụ tắm nước ngọt, giữ xe và bán hàng rong tại bãi biển vẫn đóng cửa cho đến khi có chỉ đạo mới.
Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tạm dừng đón khách tại các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn. "Đến thời điểm này, hoạt động tắm biển cũng chưa được phép. Đối với những trường hợp tắm biển hoặc có ý định tắm biển sẽ được lực lượng chức năng nhắc nhở, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh", đại diện Hiệp hội du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin thêm.
Nhật Hạ (t/h)
0 nhận xét