Open top menu
Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển là những quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ môi trường. Chính quyền và người dân nơi đây đã áp dụng nhiều mô hình tái chế rác thải và thành công trong việc tạo ra vật liệu tái sinh.

Những mô hình tái chế này được nhiều chuyên gia môi trường quốc tế đánh giá là đáng học hỏi và nên áp dụng để đẩy lùi nạn rác thải nhựa và bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Trả lời Zing.vn, đại diện tập đoàn BRG thông tin Việt Nam đang thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra môi trường – một thứ hạng rất đáng buồn.

Theo các chuyên gia, để rác thải nhựa phân hủy hết phải mất ít nhất 100 năm, tức là trong 100 năm đấy, môi trường đất – môi trường nước – môi trường biển của chúng ta đang bị hủy hoại hàng ngày hàng giờ.

"Tập đoàn BRG luôn ủng hộ việc phát triển doanh nghiệp bền vững phải song song với việc tuân thủ các chuẩn mực về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa rác thải nhựa. Chúng tôi không bao giờ phát triển kinh doanh bằng mọi giá mà gây ảnh hưởng đến môi trường. Vì chỉ khi chúng ta tôn trọng môi trường, kinh doanh dựa trên nền tảng bảo vệ môi trường thì các hoạt động kinh doanh đó mới lâu dài, hiệu quả và được ủng hộ từ cộng đồng, xã hội", đại diện tập đoàn này nói.

Báo điện tử Zing.vn đồng hành với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tập đoàn BRG triển khai chiến dịch “Màu xanh của nhựa” nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giới thiệu tới độc giả những sáng kiến, ý tưởng tái chế rác thải nhựa, góp phần giữ gìn màu xanh của Trái đất. Vì mục tiêu phát triển bền vững, Tập đoàn BRG nỗ lực cống hiến hết mình cho những hoạt động vì cộng đồng

Công viên tái chế tại Rotterdam, Hà Lan

Tháng 8/2018, Quỹ Recycled Island Foundation và 25 đối tác liên quan đã cho ra mắt công viên nổi trên mặt nước sau 5 năm nghiên cứu và gây quỹ.

Công viên tái chế được làm hoàn toàn bằng nhựa và rác thải trôi nổi trên sông. Số nhựa tái chế được tạo hình thành ô tròn lục giác để tái hiện khung cảnh sông Maas ở Rotterdam trước khi dòng sông này bị con người làm thay đổi cảnh vật.

Những nền nổi này được thiết kế để giảm sự ô nhiễm từ rác thải nhựa. Đồng thời, chúng được tạo ra để làm môi trường sống cho các sinh vật. Thực vật phát triển đồng thời cả trên và dưới bề mặt sông, cung cấp nguồn thứ ăn duy trì sinh vật biển và khuyến khích cá đẻ trứng bên dưới mặt nước.

Con đường tái chế tại Rotterdam, Hà Lan

Công ty xây dựng VolkerWessels tiến hành tạo nên con đường thân thiện với môi trường với chất liệu nhựa tái chế.

Đây được xem là biện pháp hạn chế lượng khí CO2 thải ra môi trường bên ngoài. Con đường trải nhựa tái chế được nhiều chuyên gia đánh giá mang lại tính năng ưu việt hơn, rút ngắn thời gian xây dựng và bảo trì. Ngoài ra, các ống dẫn và dây cáp được bố trí dưới mặt đường dễ dàng hơn, thuận tiện cho việc thoát nước và xử lý việc tắc nghẽn ống dẫn nước.

Mô hình MR6 tại Cumbira, Anh

Tại Anh, kỹ sư McCartney đã phối hợp cùng các chuyên gia ở Scotland nghiên cứu và tái chế nhựa thành chất liệu mới mang tên MR6.

Ý tưởng này được ông phát triển từ việc thấy người dân Ấn Độ đốt nhựa để lấp ổ gà, ổ voi trên đường. Theo đó, mô hình này sẽ sử dụng nhựa phế thải, chất thải nông nghiệp và chất thải thương mại tạo nên. Thảm đường được cho là có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài gấp 10 lần so với các tuyến đường nhựa thông thường. Trước hết, mô hình này được áp dụng gần trang trại ông McCartney sinh sống. Sau đó, thảm đường tiếp tục sử dụng tại quận Cumbria, Anh.

Nga áp dụng công nghệ biến rác thải thành xăng dầu

Các nhà khoa học nước Nga đã nghiên cứu cách tái chế nhựa, ứng dụng công nghệ cao đưa rác thải nhựa thành nguyên liệu nền để thu được nguyên liệu xăng dầu.

Người nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ nhiệt phân trong môi trường yếm khí để tiến hành tái chế rác thải nhựa. Khi vật liệu tái chế được đốt nóng đến nhiệt độ nhất định, các liên kết bị phá vỡ và chuyển sang dạng khí. Lúc này, khí thải tiếp tục được ngưng tụ thành chất lỏng xăng dầu. Theo chuyên gia, tính ưu việt của phương pháp này là không thải ra môi trường những chất gây hại. Vì vậy, đây được xem là công nghệ thân thiện với môi trường sống.

Công nghệ "biến rác thành tiền" tại Nhật Bản

Nhận thức việc môi trường sống đang bị ô nhiễm vì chất thải nhựa, công ty Pet Refine Technology (PRT) tại Nhật đã manh nha kế hoạch gom rác thải và chế biến thành vật liệu tái sinh. Mỗi ngày, PRT thu mua rác thải, vỏ chai nhựa từ các thành phố lớn Tokyo, Kawasaki để tái chế. Công ty có quy trình riêng tạo ra hạt nhựa trắng tái chế ra hạt nhựa mới. Sản phẩm này được công ty xuất sang nhiều nơi, nhất là thị trường đông dân Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, chi phí đầu tư nhà máy này chỉ là một phần nhỏ so với lợi nhuận mà công ty thu được. Vì vậy, nhiều người cho rằng dây chuyền tái chế rác hiện đại này là mô hình "biến rác thành tiền" mà công ty có được.

Mô hình "mượn chai nước" được áp dụng tại Na Uy

Na Uy được xem là quốc gia đi đầu trong việc xử lý rác thải nhựa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra đây là nơi có tỷ lệ tái chế chai nhựa lên đến 97%. Một trong những bí quyết được họ áp dụng là mô hình "mượn chai nước". Theo đó, mỗi khi mua một chai nước bằng nhựa, người tiêu dùng sẽ trả thêm một khoản phí từ 13 - 30 cent (3.000 - 7.000 đồng). Khi uống nước xong, người tiêu dùng sẽ được hoàn tiền khi trả chai nước tại những chiếc máy tự động đặt quanh thành phố. Điểm nổi bật là chỉ cần scan mã vạch trên chai, tiền sẽ tự động vào tài khoản. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi có chương trình tặng tiền và điểm thưởng khi khách hàng trả lại chai nhựa đã dùng để khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.

Bỉ áp dụng quy trình quản lý rác thải Ecolizer và Sự kiện xanh

Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế rác nằm trong top đầu thế giới. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phát minh ra phương pháp Ecolizer và Sự kiện xanh để giúp họ tính toán tác động của sản phẩm đối với môi trường.

Hệ thống này cũng cho phép các nhà tổ chức tính toán mặt tiêu cực của lượng rác thải ra môi trường.

Công nghệ sinh học tái chế nhựa PET tại Áo

Một công ty tại Áo đã áp dụng giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzyme từ một loại nấm để tái chế nhựa PET. Enzyme từ nấm sẽ làm PET phân hủy thành phân tử. Sau đó, các phân tử này trải qua quy trình tái chế nghiêm ngặt để chuyển thành loại nhựa chất lượng cao. Phương pháp của Áo được các chuyên gia môi trường quốc tế nói đã làm thay đổi bộ mặt môi trường của quốc gia này. Nhờ việc phát hiện ra các enzyme "ăn nhựa", các nhà quản lý đã có thêm cách tái chế nhựa PET, thay vì cách đốt và nghiền nhỏ rác thải gây hại môi trường như trước.

Chính sách giúp Thụy Điển thành "Vua tái chế"

Thụy Điển được xem là nước đi đầu ở khâu tái chế, thậm chí quốc gia này phải nhập khẩu rác để đảm bảo các nhà máy tái chế rác thải hoạt động. Tại đây, chính sách tái sử dụng toàn quốc được tiến hành đồng bộ. Một cuộc vận động toàn quốc mang tên "Miljonar-vanglig" được kêu gọi nhằm hướng đến việc chia sẻ và tái sử dụng. Một công ty chuyên về môi trường đã tổng kết nhiều bí quyết giúp Thụy Điển thành quốc gia không rác bao gồm áp dụng trạm tái chế rác ở khắp nơi, không vứt thuốc còn dư, chiến dịch cùng nhau phân loại rác....

Nhật Bản biến rác thải thành quần áo và gạch lát đường

Trung tâm Tái chế Tài nguyên Minato đã nhập các thùng nhựa đựng rác tái chế về nhà máy để xử lý. Sau đó, công nhân sẽ phân loại rác và tái chế thành sản phẩm có ích.
Dây chuyền tái chế rác thủy tinh của trung tâm này có công suất lên đến một tấn/giờ.

Chai lọ qua xử lý sẽ biến thành mảnh thủy tinh và dùng làm vật liệu lát đường hoặc tái chế thành chai thủy tinh mới. Ngoài ra, dây chuyền xử lý rác kim loại có công suất nén lên đến 1.400 hộp cùng lúc, tạo ra nguyên liệu đóng hộp, vật liệu xây dựng, thậm chí được tái chế làm chai mới, sợi hoặc văn phòng phẩm.

Theo Zing

Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét