Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề riêng của bất kỳ quốc gia nào mà đó là vấn đề chung của nhân loại.
Nhân loại sẽ không tránh khỏi những thảm họa thảm khốc
Một nhóm trên 11.000 nhà khoa học của hơn 150 nước trên toàn thế giới đã cùng đưa ra tuyên bố khẩn về khí hậu, đồng thời cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu nhân loại không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu này. Tuyên bố được đưa ra sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu ngày 4/11.
Trong tuyên bố đăng trên BioScience - Tạp chí của Viện Khoa học sinh học Mỹ, các nhà khoa học nói trên cảnh báo nhân loại sẽ không thể tránh khỏi những thảm họa tàn khốc nếu không thay đổi sâu rộng và lâu dài trong các hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như các yếu tố khác liên quan đến biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhà khoa học William Ripple - một trong những tác giả của văn kiện trên, nêu rõ: "Biến đổi khí hậu đang diễn ra và nó diễn ra với tốc độ nhanh hơn mà nhiều nhà khoa học dự báo". Các nhà khoa học cũng công bố một bộ giải pháp giảm thiểu phát thải trong nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng, tự nhiên, thực phẩm, kinh tế, dân số....
Theo đó, họ kiến nghị chính phủ các nước khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh khí carbon thấp thay thế nguyên liệu khóa thạch và loại bỏ trợ cấp cho các công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng hối thúc chính phủ các nước chuyển đổi sang mô hình kinh tế không carbon để giải quyết sự phụ thuộc của con người vào sinh quyển, cũng như bình ổn tình trạng gia tăng dân số thế giới hiện đang tăng khoảng 200.000 người/ngày.
Nóng kỷ lục
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7/2019 là tháng nóng nhất trên Trái đất trong 140 năm qua. NOAA khẳng định đây là biểu hiện cụ thể nhất do tình trạng biến đổi khí hậu khi mà hiện tượng El Nino không xuất hiện ở thời điểm này. Bên cạnh đó, một loạt kết quả nghiên cứu khác dự báo mực nước biển toàn cầu có thể tăng thêm 20 cm vào năm 2300 do lượng khí phát thải trong giai đoạn 15 năm kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết (2015-2030).
Cũng theo thống kê của Tổ chức Khí tượng thế giới (ECMWF C3S), tháng 10/2019 đã trở thành tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử các tháng 10. Nhiệt độ trung bình tháng 10/2019 trên toàn cầu tăng 0,69 độ C so với các tháng 10 giai đoạn từ 1981-2010.
Mực nước biển sẽ tăng gần 1m vào năm 2030
Mới đây, một nghiên cứu mới được công bố đã đưa ra dự báo đáng chú ý về tình trạng biến đổi khí hậu: ngay cả khi tất cả các quốc gia nằm trong Hiệp định Paris đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030, mực nước biển vẫn có thể tăng khoảng 0,9 m.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế và được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), đã cung cấp dữ liệu phát thải cho một chương trình giả lập dự đoán mực nước biển dâng.
Nghiên cứu tiếp tục cho thấy mức khí thải từ 5 vùng lãnh thổ trong 40 năm trước đó là Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ khiến 25% mực nước biển dâng vào năm 2030
Theo ông Alexander Nauels, một trong những tác giả nghiên cứu, làm việc tại Viện phân tích khí hậu ở Berlin, quan điểm của nhóm nghiên cứu là chỉ ra rằng lượng khí thải hiện tại sẽ ảnh hưởng đến mực nước biển trong 200 năm tới.
"Tất cả chúng ta chỉ tập trung vào thế kỷ 21", ông Nauels nói với AFP. "Đôi khi điều đó có thể tạo ra ấn tượng sai lầm rằng sau thế kỷ 21 sẽ không có gì khác xảy ra".
Hệ sinh thái tự nhiên và số phận con người đang bị đe dọa
Cảnh báo trên được công bố trên chuyên san BioScience nhân kỷ niệm 40 năm ra đời hội nghị khí hậu thế giới đầu tiên (tổ chức tại Geneva năm 1979). Tuyên bố dựa trên kết quả nghiên cứu của hàng chục nhà khoa học và được hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia trên thế giới công nhận.
Cụ thể, các nhà khoa học cảnh báo rằng, Trái Đất đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Để bảo đảm một tương lai bền vững, chúng ta phải thay đổi cách chúng ta đang sống. Điều này đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách xã hội vận hành và tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã đến và ngày càng nghiêm trọng hơn hầu hết những gì các nhà khoa học dự tính. Nó đe dọa hệ sinh thái tự nhiên và số phận của con người.
Các nhà khoa học cho biết thêm, những thay đổi cấp bách cần thực hiện bao gồm ngừng gia tăng dân số, không khai thác nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, không tàn phá rừng và giảm bớt việc ăn thịt.
Trước tình hình trên, cũng như các châu lục khác, châu Âu đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng lượng khí thải tăng nhanh. Ngày 31/10, Cơ quan Môi trường châu Âu đã công bố báo cáo cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần tới lộ trình cần thiết để hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải, để mức khí thải năm 2030 thấp hơn 40% so với mức khí thải vào 1990.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng các quốc gia thành viên EU phải tăng cường nỗ lực trong thập kỷ tới để đảm bảo đạt được mục tiêu năm 2030. Đặc biệt, EU cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà và các hộ gia đình, cũng như trong lĩnh vực giao thông.
Trong khi đó, các chuyên gia về khí hậu cho biết, các thành phố châu Á đang chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện trong một nỗ lực chống lại tình trạng chất lượng không khí xấu đi, cũng như cắt giảm khí thải gây BĐKH. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giao thông là nguồn thải khí gây hiệu ứng nhà kính gia tăng nhanh nhất, trong đó phần lớn mức tăng thải khí vào năm 2030 được cho là đến từ khu vực châu Á đang phát triển.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét