Open top menu
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Nhà hàng "Trên đỉnh đồi trăng" ở Đà Lạt lấn chiếm 1.884m2 đất rừng phòng hộ

Nhà hàng “Trên Đỉnh Đồi Trăng” đường Triệu Việt Vương, phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã lấn chiếm 1.884m2 đất rừng phòng hộ.

Mới đây, UBND TP Đà Lạt đã lập đoàn kiểm tra tại nhà hàng trên và phát hiện hàng loạt sai phạm tại đây; cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng, mở rộng 13 công trình tổng diện tích 2.736,8m2 trong khi khu vực này thuộc quy hoạch đất du lịch hỗn hợp, đất trụ sở khác.

Nhà hàng “Trên Đỉnh Đồi Trăng” đã lấn chiếm 1.884m2 đất rừng phòng hộ, chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp. Xây dựng 4 khối công trình trái phép với diện tích 747m2, trong đó xây dựng trên đất lâm nghiệp là 410m2.

Nhà hàng "Trên đỉnh đồi trăng" đã lấn chiếm 1.884m2 đất rừng phòng hộ.

Theo UBND TP Đà Lạt, người đang sử dụng khu đất là ông Nguyễn Minh Tiến (36 tuổi, ngụ TP Đà Lạt). Thời điểm kiểm tra, ông Tiến không xuất trình được hồ sơ, tài liệu chứng minh việc gia đình ông là chủ sử dụng hợp pháp khu đất nhà hàng nói trên.
Liên quan đến vụ việc, UBND TP Đà Lạt và UBKT Thành ủy Đà Lạt đã thi hành kỷ luật ông Lê Đình Cường và ông Phan Ngọc Toàn, đều là nguyên Chủ tịch UBND phường 4 bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo.

Trước sai phạm tại khu vực nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng, UBND TP Đà Lạt đã giao cho UBND phường 4 chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT, Hạt Kiểm lâm mời ông Nguyễn Minh Tiến làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội siết điều chỉnh và lấy ý kiến cư dân về quy hoạch các dự án đô thị

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành kế hoạch số 235/KH-UBND về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo kế hoạch, UBND Thành phố yêu cầu nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch, công tác quản lý về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Kiểm soát việc điều chỉnh quy hoạch, việc lấy ý kiến các cơ quan tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan khi lập và điều chỉnh quy hoạch. Xác định rõ các nội dung công việc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, lãnh đạo Thành phố tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị.

UBND Thành phố yêu cầu các sở ban ngành, các đơn vị có liên quan của Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; trong quá trình thực hiện cần kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về cơ quan thường trực để tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo, giải quyết.

Trước đó, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà có báo cáo gửi ĐBQH về một số nội dung về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn hồi tháng 6, trong đó có công tác quản lý quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng chất lượng quy hoạch hiện nay nhìn chung còn thấp, việc điều chỉnh quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không tuân thủ quy định về trình tự, thẩm quyền, thậm chí có nhiều dự án điều chỉnh trên 5 lần.

Hà Nội yêu cầu kiểm soát việc điều chỉnh quy hoạch, việc lấy ý kiến các cơ quan tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan khi lập và điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể, tại báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, nhìn chung, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị đã được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực.

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm, ngày càng đi vào nề nếp. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực; Năng lực, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch được nâng cao hơn, đồng thời đã hoàn thành khối lượng lớn các loại quy hoạch...

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng chất lượng quy hoạch nhìn chung còn thấp. Các biểu hiện cụ thể là: một số quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.

Bên cạnh đó, thời gian lập đồ án quy hoạch thường kéo dài so với quy định (từ 6-12 tháng đối với từng loại quy hoạch). Quy định về công bố công khai quy hoạch chưa được tuân thủ nghiêm túc, thực hiện còn mang tính hình thức, không đảm bảo yêu cầu. Việc triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa rất chậm, tỷ lệ thực hiện bình quân cả nước mới đạt 10-15% yêu cầu. Tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ thực hiện cắm mốc cũng chỉ đạt từ 5 - 10%.

Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không tuân thủ quy định về trình tự, thẩm quyền.

"Hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh, như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh). Đáng chú ý là tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến hơn. Theo báo cáo của 10/63 tỉnh thành, hiện có khoảng 1.390 dự án đầu tư xây dựng, trong đó, khoảng 1.132 dự án điều chỉnh quy hoạch 1 lần; 163 dự án điều chỉnh quy hoạch 2 lần; 64 dự án điều chỉnh 3 lần; 22 dự án điều chỉnh 4 lần và 9 dự án điều chỉnh trên 5 lần", Báo cáo nêu rõ.

Theo báo cáo, việc lấy ý kiến qua các hình thức đăng trên cổng thông tin điện tử, gửi văn bản, tài liệu, hội thảo…, ý kiến phản hồi chủ yếu là các cơ quan (sở, ban, ngành…), hầu như không nhận được ý kiến của nhân dân, cộng đồng. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng; đơn vị tổ chức lấy ý kiến chưa cung cấp thông tin rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan.

Bố trí bãi giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt

Sở GTVT TPHCM đề nghị UBND quận 1 xem xét, giải quyết hồ sơ sử dụng tạm thời vỉa hè của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tổ chức giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1.

Chiều 6/11, Sở GTVT TPHCM cho biết, liên quan về việc bố trí bãi giữ xe 2 bánh miễn phí tại Trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1, sở đề nghị UBND quận 1 xem xét, giải quyết hồ sơ sử dụng tạm thời vỉa hè của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tổ chức giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1 (đoạn từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mặt sau của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) theo quy định.

Theo đó, giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cung cấp các hồ sơ thủ tục để UBND quận 1 hỗ trợ giải quyết cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè tổ chức giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt.

Theo Sở GTVT, Trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1 chính thức đưa vào khai thác từ ngày 29-12-2017 là nơi xuất phát của hơn 30 tuyến xe buýt, hiện đang phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân đi lại bằng xe buýt, đặc biệt là học sinh, sinh viên ở các trường cách xa trung tâm như Đại học Nông Lâm, Đại học Quốc gia, Đại học Tôn Đức Thắng... và khu vực lân cận như Đại học Khoa học - Xã hội nhân văn, Đại học Y dược.

Việc tổ chức bãi giữ xe 2 bánh miễn phí tại khu vực trên là một trong những giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách sử dụng xe buýt; với mục đích tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi phương thức đi lại, thu hút người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nhiều hơn, hướng tới dần hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đi lại, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Đây là nhiệm vụ chính trị được Thành ủy, UBND TP giao Sở GTVT và UBND các quận, huyện phối hợp thực hiện.

Tổng công ty Đường cao tốc bị cưỡng chế hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuế

Cục Thuế Hà Nội cho biết trong thời gian từ 1.7.2016 đến năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho VEC thành 9 đợt, tổng số tiền hoàn thuế VAT hơn 949,7 tỉ đồng, theo hình thức hoàn thuế trước kiểm tra sau.

Tổng công ty Đường cao tốc bị cưỡng chế hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuế - Ảnh: Minh họa (nguồn: Internet)

Trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế VAT đối với VEC, Cục Thuế Hà Nội phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư.

Do đó, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành 2 quyết định thu hồi số tiền thuế VAT đã hoàn, với số tiền hơn 949,7 tỉ đồng đã hoàn cho VEC trước đó, và tiền chậm nộp hơn 83,46 tỉ đồng. Tổng số thuế phải thu hồi và tiền chậm nộp là hơn 1.033 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do VEC chưa thực hiện quyết định của cơ quan thuế, ngày 28.5.2019, Cục thuế Hà Nội đã ban hành 5 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của VEC tại 5 ngân hàng thương mại, thời gian từ tháng 6 - 7.2019.

Theo Cục Thuế Hà Nội, đơn vị này chỉ trích số tiền từ tài khoản ngân hàng của VEC, không phải phong tỏa tài khoản, không thực hiện khấu trừ lương, thu nhập của người lao động... như nội dung VEC phản ánh trong công văn 2398/CV-VEC gửi Bộ Tài chính.

Cục Thuế TP Hà Nội khẳng định ngoài biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Cục Thuế TP Hà Nội không đề nghị các ngân hàng phong tỏa tài khoản, không thực hiện khấu trừ lương, thu nhập của người lao động...

VEC là một trong 16 doanh nghiệp, tổng công ty từng thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông Vận tải trước khi được chuyển về chịu sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đến nay, VEC là doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án đường cao tốc nhất. Theo đó, tổng công ty này là chủ đầu tư và sở hữu hàng nghìn km cao tốc tại các tuyến lớn như 245 km Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tổng mức đầu tư trên 1,46 tỉ USD; 55km Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư 20.630 tỉ đồng; 56 km Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tổng mức đầu tư 8.974 tỉ đồng; 58 km Cao tốc Bến Lức - Long Thành, tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng; hay 140 km Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng...

Dự án Đà Nẵng - Quãng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư cũng chính là cao tốc vừa thông xe chưa được một tháng đã bị bong tróc, chất lượng mặt đường kém, gây bức xúc dư luận.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét