Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề xuất cấm sử dụng nhựa
Người phát ngôn Tổng thống Philippines cho biết ông Duterte đã đề cập đến khả năng cấm sử dụng đồ nhựa và quy định này cần phải được hợp pháp hóa bằng văn bản luật.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đề xuất ý kiến về việc cấm sử dụng nhựa - động thái có thể đặt nền móng để Quốc hội nước này xem xét thông qua các điều khoản luật bảo vệ môi trường trong bối cảnh Philippines hiện trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về gây ô nhiễm biển.
Tại cuộc họp nội các ngày 7/11, người phát ngôn Tổng thống Philippines, Salvador Panelo, cho biết ông Duterte đã đề cập đến khả năng cấm sử dụng đồ nhựa và quy định này cần phải được hợp pháp hóa bằng văn bản luật.
Hiện có một số dự thảo luật về cấm sử dụng nhựa vẫn đang bị "treo" tại Quốc hội Philippines, tuy nhiên cho đến nay chưa một dự thảo luật nào sẽ trở thành luật chính thức.
Theo báo cáo năm 2015 của trường Đại học Georgia, Philippines hiện là nước đứng ba trên thế giới không có biện pháp đối phó với rác thải nhựa hiệu quả, với 81% lượng rác thải nhựa tự do thải ra ngoài môi trường.
Suzuki và Toyota thành lập liên doanh xử lý ô tô phế thải tại Ấn Độ
Trong thông báo ngày 6/11, Suzuki cho biết Maruti Suzuki India Ltd., chi nhánh của hãng tại Ấn Độ và công ty kinh doanh Toyota Tsusho thuộc tập đoàn Toyota Motor Corp. sẽ thành lập công ty liên doanh với tỷ lệ góp vốn 50-50 tại Noida, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ).
Công ty liên doanh có tên gọi Maruti Suzuki Toyotsu India Private Ltd. sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2020 - thời điểm bắt đầu năm tài khóa mới ở Nhật Bản. Sau khi đi vào hoạt động, công ty này có khả năng xử lý khoảng 2.000 xe ô tô/tháng.
Thông báo cũng cho hay những công ty tương tự sẽ được thành lập ở các địa điểm khác của Ấn Độ. Người phát ngôn của Toyota Tsusho nói rằng đây sẽ là nhà máy xử lý ô tô phế thải đầu tiên do một công ty Nhật Bản mở và vận hành tại Ấn Độ.
Theo thông báo, MSTI sẽ chịu trách nhiệm mua lại và tháo dỡ các phương tiện hết niên hạn sử dụng. Quá trình này sẽ bao gồm quản lý chất thải rắn và lỏng theo luật pháp Ấn Độ và các tiêu chuẩn chất lượng và môi trường được phê duyệt trên toàn cầu.
Thông báo trên được đưa ra vào thời điểm Bộ Giao thông Ấn Độ đang xây dựng chính sách xử lý phương tiện phế thải để giảm số lượng phương tiện cũ lưu thông trên đường nhằm hạn chế ô nhiễm ở các thành phố lớn.
Trong bối cảnh đó, hầu hết các nhà sản xuất ô tô dự kiến sẽ thành lập các nhà máy xử lý ô tô cũ với hy vọng sẽ khai thác thêm một nguồn doanh thu trong tương lai.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ đã vận động hành lang để Chính phủ xây dựng chính sách xử lý ô tô phế liệu, do họ nhận định chính sách này sẽ khiến nhu cầu về ô tô tăng lên.
Người dân Bình Định chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng sau cơn bão số 5
Ngày 7/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định về công tác khắc phục hậu quả bão số 5.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết bão số 5 đổ bộ vào thành phố Quy Nhơn và các huyện ven biển tỉnh Bình Định gió mạnh, kéo dài trong 9 giờ, đã gây ra thiệt hại lớn.
Toàn tỉnh có 143 nhà sập, 1.164 nhà hư hỏng, 2.042 nhà ngập nước; 79 tàu bị hư hỏng; hơn 1,5km kè biển sập, sạt lở; 4.500ha lúa mùa và 663ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; 13 trường học bị ảnh hưởng; 133 cột điện cao thế và hạ thế gãy đổ; 10km đường dây điện bị đứt; 8 công trình cấp nước bị hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính 358 tỷ đồng.
Sau bão, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tháo dỡ, thu gom, che chắn tạm thời và tìm nơi trú tạm cho hộ dân bị sập nhà; hỗ trợ khẩn cấp các hộ có nhà bị sập; giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra và đề xuất hỗ trợ.
Đối với kè biển Nhơn Hải bị sạt lở, cuốn trôi 14 căn nhà và uy hiếp hàng trăm căn nhà khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp; chỉ đạo xã Nhơn Hải sử dụng lực lượng xung kích xã di dời dân ở sát kè, tiếp tục gia cố tạm.
Sở Giao thông và Vận tải tỉnh triển khai khôi phục các tuyến tỉnh lộ sạt lở, đảm bảo giao thông; hướng dẫn các địa phương khắc phục đường giao thông nông thôn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn có kế hoạch cứu trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do mưa bão, sớm ổn định cuộc sống.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp cho Bình Định 2.000 tấn gạo để cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng bão lũ và 100 tỷ đồng để khôi phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 50 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 200.000 viên Cloramin B, 200.000 viên khử khuẩn Aquatabs và các vật tư y tế để giúp nhân dân phòng chống dịch bệnh...
Coca-Cola cam kết thu gom, tái chế chai nhựa
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuter tại Nigeria ngày 6/11, Giám đốc điều hành Coca-Cola James Quincey nhấn mạnh cùng với các đối thủ đa quốc gia như PepsiCo và Nestle, Coca-Cola đã bắt đầu bán ra thị trường các loại nước ngọt trong lon nhôm cũng như các chai nhựa có thể tái chế.
Đây là nỗ lực của Coca-Cola nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới các đại dương trên toàn thế giới đang bị ô nhiễm do rác thải nhựa.
Tuy nhiên, CEO Quincey khẳng định việc ra mắt các sản phẩm nước ngọt có ga trong lon nhôm tại Mỹ của nhà sản xuất này không phải là một chiến dịch chuyển đổi bao bì lớn của hãng.
Coca-Cola không có kế hoạch thực hiện một sự chuyển đổi chiến lược từ bao bì nhựa sang nhôm, mà hãng vẫn "tập trung vào việc thu gom" chai nhựa đã qua sử dụng. Tính đến nay, tỷ lệ thu gom các sản phẩm đã qua sử dụng này đạt khoảng 59%.
CEO Quincey cho biết thêm mức áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra vào năm 2018 nhằm đảm bảo an ninh quốc gia không phải là vấn đề lớn và sẽ không làm thay đổi kế hoạch, cũng như chiến lược của Coca-Cola.
Cũng theo ông Quincey, chai nhựa PET đã tái chế có hàm lượng carbon thấp hơn so với lon nhôm hoặc chai thủy tinh được thu gom. Ông nhấn mạnh việc thu gom và tái sử dụng các chai nhựa này là một "câu trả lời lý tưởng trong dài hạn" hơn là chuyển sang dùng lon nhôm.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét