Ấn Độ tăng cường các biện pháp hạn chế khói mù ô nhiễm tại thủ đô
Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra lệnh cấm hoàn toàn hoạt động đốt rơm rạ tại các khu vực xung quanh thủ đô New Delhi.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại bang có 20 triệu cư dân sinh sống này.
Trong phán quyết mới đưa ra, Tòa án Tối cao Ấn Độ nêu rõ ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuổi thọ của cư dân thủ đô New Delhi.
Các thẩm phán yêu cầu cấm ngay lập tức các hoạt động đốt rơm rạ tại các bang xung quanh thủ đô New Delhi.
Các cơ quan quản lý và cảnh sát từ trung ương tới địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những hoạt động đốt rơm rạ vẫn tiếp diễn.
Dù việc đốt rơm rạ là bất hợp pháp, nhưng nhiều nông dân tại Ấn Độ vẫn khẳng định họ không có lựa chọn nào khác.
Hằng năm vào mùa Đông, không khí lạnh hơn khiến khói từ hoạt động đốt rơm rạ, khói thải từ xe cơ giới, các nhà máy và bụi từ các công trình xây dựng, lưu lại lâu hơn trong không khí, gây ra những đợt khói mù dày đặc độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và cuộc sống của người dân ở miền Bắc Ấn Độ.
Phán quyết trên được đưa ra sau khi tòa xem xét các kiến nghị của nhiều nhà hoạt động vì môi trường trong bối cảnh thủ đô New Delhi rơi vào tình trạng ô nhiễm khói mù nghiêm trọng, đặc biệt là trong ngày 3/11, khiến nhiều chuyến bay phải đổi hướng hoặc bị hủy.
Theo Hệ thống Dự báo và nghiên cứu chất lượng không khí (SAFAR), mật độ các loại hạt nhỏ hơn 2,5 microns (nhỏ tới mức có thể xâm nhập vào máu) trong sáng 3/11 đã lên đến mức cao nhất trong mùa, với kết quả đo được là 810 microgram/m3 khí, tức là mức "nguy hiểm cho sức khỏe."
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức an toàn đối với sức khỏe con người là tối đa 25 microgram/m3.
Phú Yên thiệt hại hơn 100 tỉ đồng do bão số 5
Do ảnh hưởng của bão số 5 (từ ngày 30-31/10), tại tỉnh Phú Yên không có thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị của người dân các địa phương bị thiệt hại với tổng giá trị hơn 100 tỉ đồng.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ 82 tỉ đồng khắc phục những thiệt hại về nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, xây dựng và các công trình khác do ảnh hưởng của cơn bão số 5.
Phú Yên cũng đề nghị hỗ trợ bằng vật tư, hóa chất, thuốc phòng chống dịch bệnh cho người, gia cầm, gia súc và khử trùng môi trường, cụ thể: 2 type (O, A) 50.000 liều vắc xin lở mồm long móng; 30 tấn hóa chất khử trùng, phòng chống dịch Benkocid; thuốc sodium chlorite 20% số lượng 30 tấn; 200.000 viên Cloramine B 250mg…
Ngoài ra, UBND tỉnh còn đề nghị Trung ương hỗ trợ 20 tỉ đồng để xây dựng bờ kè dài 200 m tại khu vực bị sạt lở do triều cường, mưa, bão tàn phá, gây thiệt hại khu vực thôn Mỹ Quang Nam, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định lâu dài, yên tâm lao động, sản xuất.
Lúng túng xử lý rác thải ở Quảng Nam
Thành phố Hội An mỗi ngày thải ra môi trường lượng rác khoảng 100 tấn. Với diện tích nhỏ hẹp, khối lượng rác thải ra mỗi ngày như vậy là quá sức chịu đựng của TP. Bãi rác Cẩm Hà (xã Cẩm Hà, TP Hội An), sức chứa chỉ 60.000 - 70.000 tấn rác, nhưng nay rác chất thành núi, gây ô nhiễm trầm trọng, Tương tự, tại thị xã Điện Bàn, rác thải vung vãi khắp nơi, hầu hết các con đường đều có rác thải.
Ông Nguyễn Trọng Vũ, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam chi nhánh Điện Bàn, than rằng: “Số lượng rác thu gom mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 70% lượng rác thực tế thải ra môi trường. Xe vừa thu gom xong chỉ 1 giờ sau là người dân lại xả rác”.
Tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác thải, do sức chứa 2 bãi rác của tỉnh rất hạn chế; công nghệ xử lý rác tại chỗ lạc hậu, kém an toàn. Trước đây dự án EU đã hỗ trợ TP Hội An xây dựng nhà máy xử lý phân compost (công suất khoảng 30 tấn/ngày), nhưng chất lượng phân chưa tốt nên không bán được. Lò đốt rác được đầu tư xây dựng năm 2016, kinh phí khoảng 25 tỷ đồng, công suất 90 tấn/ngày đêm, nhưng khi đi vào hoạt động, công suất thực tế chỉ đạt 30 - 35 tấn/ngày đêm, khiến công trình không được nghiệm thu quyết toán.
Nói về việc tìm giải pháp xử lý rác thải trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay đây là vấn đề lâu dài. Trong đó, giải pháp hàng đầu là tập trung phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng rác phát sinh. Bởi Hội An vẫn còn nhiều làng quê như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Hà… nên không nhất thiết phải thu gom rác hữu cơ vì rác ở những vùng này có thể chôn lấp ủ thành phân, làm biogas, TP chỉ thu gom xử lý rác vô cơ. Nếu như làm tốt việc này sẽ giảm được khoảng 60% rác hữu cơ, đồng nghĩa chỉ thu gom khoảng 40 tấn rác vô cơ mỗi ngày, nên việc xử lý sẽ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, TP sẽ phải đầu tư sửa chữa lại nhà máy đốt rác để tiếp tục hoạt động. Dù sao với công suất đốt rác vô cơ 35 tấn/ngày đêm cũng sẽ giải quyết được phần lớn lượng rác hiện tại.
Festival Huế 2020 hướng đến lễ hội xanh, nói không với rác thải nhựa
Festival Huế 2020 hướng đến “Festival xanh, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” sẽ được tổ chức từ ngày 1 – 6/4/2020 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế luôn luôn mới”.
Dự kiến có sự tham dự của 20 quốc gia trên khắp 5 châu lục, nhân kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển của Festival Huế.
Đây cũng là một Festival đánh dấu quá trình 20 năm kể từ khi Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức và trở thành một sự kiện văn hóa du lịch quốc gia, có tầm quốc tế.
Theo đó, Festival Huế 2020 sẽ diễn ra 6 chương trình và lễ hội chính gồm lễ khai mạc, lễ hội áo dài, lễ hội đường phố, lễ hội Huế – Kinh đô Ẩm thực và 2 chương trình văn hóa nghệ thuật là Văn hiến kinh kỳ, Âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, với tinh thần đổi mới, tạo sự khác biệt, tạo điểm nhấn Festival Huế với mục tiêu là người dân làm chủ lễ hội, Festival Huế lần thứ XI – 2020 cần phải chuyên nghiệp, giá trị nghệ thuật và cộng đồng, đặc biệt phải là một “Festival xanh, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” như tinh thần bảo vệ môi trường mà Huế đang tích cực triển khai, mang lại hiệu quả, hiệu ứng cao với các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”…
Nghệ An: Xử lý nghiêm các đối tượng vứt xác lợn ra môi trường
Ngày 4/11, Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) cho biết, chính quyền đã giao công an huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vứt xác lợn ra môi trường.
Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong cũng giao Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời giao lực lượng công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vứt lợn chết ra môi trường.
Ngày 4/11/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong có công văn hỏa tốc số 1409/UBND-VP gửi Công an huyện và Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn về việc điều tra, xử lý các đối tượng vứt xác lợn ra môi trường.
Công văn cho biết, vào chiều 3/11 tại khu vực cầu Xốp Chảo (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) người dân phát hiện có 14 bao tải chứa xác lợn dưới lòng suối.
Sau khi nhận được thông tin về sự việc trên, Ủy ban Nhân dân huyện Quế Phong đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Đồng Văn tiêu hủy số xác lợn chết theo đúng quy định.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét