Bão số 6 (tên quốc tế là Nakri) đang mạnh lên cấp 12, giật cấp 15 có thể đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa ngày 10/11.
Bão số 6 được dự báo là cơn bão dị thường và mạnh nhất trong năm 2019. Trước diễn biến khó lường của cơn bão, đến nay, các tỉnh miền Trung đã lên phương án, sẵn sàng đối phó với bão số 6.
Các tỉnh miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 6. Ảnh minh họa. |
Tại Quảng Ngãi, sáng nay, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 6 và mưa, lũ lớn có thể xảy ra sau bão.
Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các hộ dân ở trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét để chủ động tổ chức di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng do bão chằng chống, gia cố nhà cửa.
Các nhà máy, xí nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp chủ động chằng chống, gia cố nhà xưởng nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có bão xảy ra.
Các địa phương cần bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người tham gia giao thông an toàn qua các ngầm tràn, chủ động ngăn cấm lưu thông qua các ngầm tràn đã bị ngập, có nước chảy xiết trong thời gian ảnh hưởng bão, lũ.
Ông Bính yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, tránh va đập và bị đứt neo khi có gió bão mạnh xảy ra; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
Tại Bình Thuận, sáng 8/11, nhằm chủ động ứng phó với bão số 6, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tỉnh Bình Thuận có 2.210 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển.
Tất cả các tàu đều liên lạc với đài bờ, đồn biên phòng để tiếp nhận thông tin và có biện pháp hỗ trợ xử lý tình huống. Toàn tỉnh có 93 bè với 268 lao động, các chủ bè nuôi thủy sản đã được UBND các địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo và hướng dẫn biện pháp gia cố, chằng chéo an toàn.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành tiến hành rà soát, triển khai kế hoạch có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ven biển, khách du lịch tại các khu vực ven biển, khu du lịch, khu sản xuất kinh tế, lồng bè, nuôi trồng thủy sản; đồng thời rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm và hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giảm nhẹ thiên tai. Các công trình thi công ven biển triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân viên thi công và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và các công trình thủy lợi, hồ đập sẵn sàng chứa, điều tiết nước phù hợp, an toàn.
Tại Bình Định, trao đổi với Zing, ông Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, nhận định bão số 6 có sức gió lớn nên địa phương khẩn cấp lên phương án sơ tán hàng nghìn người dân vùng ven sông, ven biển, vùng sạt lở núi, vùng nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Vị trí và đường đi của bão số 6. |
"Chúng tôi huy động lực lượng tại chỗ sơ tán toàn bộ hộ dân sống dọc tuyến kè Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) bị bão số 5 gây sạt lở đến nơi an toàn; hỗ trợ sơ tán hơn 1.200 hộ dân có nhà sập, hư hỏng do bão số 5 tàn phá đến nơi ở an toàn, ổn định trước khi bão số 6 đổ bộ", ông Hổ nói.
Rút kinh nghiệm từ bão số 5, Bình Định yêu cầu các địa phương giúp dân giằng, chống nhà cửa, buộc tàu thuyền tránh gây va đập, đứt neo trôi dạt hư hỏng trong bão số 6. Địa phương này cũng kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tăng cường một tàu cứu nạn chuyên dụng có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết gió giật cấp 9, cấp 10 sẵn sàng ứng cứu sự cố trên biển.
Tại Phú Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương khắc phục các công trình bị sự cố, hư hỏng do bão số 5 gây ra, đồng thời triển khai phương án sẵn sàng ứng phó cơn bão số 6.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét