Open top menu
Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Báo cáo trước Quốc hội về phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019, Tổng Thanh tra chính phủ Lê Minh Khái nhận định, công tác này vẫn còn phức tạp, xẩy ra trên nhiều lĩnh vực tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng.

Về vấn đề phòng ngừa, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong số hơn 1 triệu trường hợp kê khai tài sản, thu nhập có 46 người được xác minh, qua đó phát hiện 10 trường hợp vi phạm. Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng xử lý 3 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị 3,99 tỷ đồng, trong đó có một số lãnh đạo của công an tỉnh Cao Bằng nhận quà tặng 1 xe ô tô từ năm 2016 giá trị 3,72 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả điều tra, Bộ Công an xử lý kỷ luật cảnh cáo hai trường hợp, Tỉnh ủy Cao Bằng xử lý kỷ luật cảnh cáo 3 trường hợp, Công an tỉnh xử lý kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp, khiểntrách 1 trường hợp.

Một số trường hợp qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước, biểu hiện rõ nhất là các sai phạm là trong lĩnh vực xây dựng trái phép. “Cử tri cho rằng, để xẩy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị lớn là có sự tiếp tay của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, nhất là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng.

NƠI NÀO “MUA ĐẮT, BÁN RẺ” Ở ĐÓ CÓ THAM NHŨNG

Cho rằng tham những trong cơ quan PCTN là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân, song việc ngăn chặn lại chưa có chuyển biến, thậm chí có chiều hướng gia tăng theo từng năm.

“Nhiều vụ việc xây dựng trái phép diễn ra công khai tại nhiều địa phương trong thời gian dài. Tuy nhiên, có một có một số trường hợp xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý nhà nước lien quan. Đồng thời, dư luận cho rằng có nhiều tiêu cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, cấp phép, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực xây dựng nhưng chưa được phát hiện”.

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ, Viện KSND Tối cao thông tin cho cử tri được biết vì sao đã có kết luận của thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã vào cuộc vụ AVG, trong đó nêu rất rõ sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ cao cấp Bộ Công an, nhưng đế nay không có bất kỳ thông tin nào về việc xử lý các sai phạm.

Về giải pháp phòng, chống các loại hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt”, đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng tham nhũng vặt thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ giao Tổng thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lí kinh tế, xã hội, quản lý cán bộ, PCTN để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa tới. Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bản tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bản rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Nguyễn Sỹ Cương: “Các cơ quan điều tra xét xử có thể sẽ bỏ lọt tội phạm khi chấp nhận lời giải thích như đùa của một số lãnh đạo địa phương khi có con được nâng điểm theo kiểu đưa người thân ra chịu tội thay, bản thân coi như vô can trong sạch và tiếp tục trên con đường tiến thân”.

“Trong khi Đảng và nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loạt tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…” (Chủ nhiệm ủy ban tư pháp QH Lê Thị Nga).

Trên thực tế vẫn còn những vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có giấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế hoặc các tội khác như tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hoặc tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong. Phải nói rằng, việc chứng minh này là việc làm cực kỳ khó khăn vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh. Đa phần chỉ chứng minh qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhưng không phải không làm được.

Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm trong quá trình điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Sau đó đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó. Đáng chú ý, trong vụ án này lại không có bị cáo nào bị truy tố, xét xử về tôi nhận hối lộ.

Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân cao cấp tại Hà Nội kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ. Đến nay, kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện. Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Đồng thời, dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi: Phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác?

Đề nghị trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn hai của vụ án này để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ.

Đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/ Tip. Club hoạt động từ 18/4/2015 đến tháng 8/2017 thì bị triệt phá. Trong quá trình hoạt động, đường dây đánh bạc phát triển thành một mạng lưới gồm 25 đại lý cấp 1.

5.877 đại lý cấp 2 và khoảng 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc. Số tiền thu được từ đánh bạc trực tuyến chứng minh được là hơn 9.853 tỷ đồng. đường dây này được “bảo kê” bởi cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng cục cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao, Bộ Công an.

Trong đường dây đánh bạc hàng ngàn tỉ đồng tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, cơ quan công an phát hiện ngoài hai tướng công an còn có cựu Chánh thanh tra Bộ thông tin - Truyền thông (TT - TT) có hành vi tiếp tay bảo kê. Bị can Đặng Anh Tuấn với vai trò Chánh thanh tra, lấy quyện hạn là cấp trên trực tiếp để yêu cầu trưởng đoàn kiểm tra phải sửa báo cáo số 03 thêm vào nội dung đề xuất giải thể đoàn kiểm tra. Do ông Dũng không thực hiện theo yêu cầu này nên Đặng Anh Tuấn tự ý quyết định chỉ đạo soạn thảo và ký phiếu trình số 63/Ptr-Ttra để đề xuất nội dung “Dừng hoạt động của đoàn kiểm tra” với những căn cứ không đúng tình hình thực tế. Sau đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có bút phê, “Đồng ý. Trong trường hợp cần thiết, thanh tra Bộ đề xuất thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra” song Đặng Anh Tuấn với trách nhiệm là chánh thanh tra đã không có đề xuất, kiến nghị gì về việc thanh tra, xử lý đối với 14 cổng game có yếu tố cờ bạc.

Qua một loạt vụ việc, vụ án được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, chuyện “sân sau” của quan chức giờ đây không còn là những “dấu hiệu” hay “nghi ngờ” của dư luận nữa mà đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại.

Hàng loạt vụ án được đưa ra xét xử thời gian vừa qua đều cho thấy có dấu hiệu cấu kết, thông đồng giữa quan chức với các doanh nghiệp để hình thành cái gọi là “sân sau”, “lợi ích nhóm”.

Sự cấu kết, thông dồng để lợi dụng quyền lực, lợi dụng kẽ hở của chính sách, tạo ra các “nhóm lợi ích”, “sân sau”, công ty gia đình nhằm mục đích tư lợi đang dần lộ diện qua những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng.

Cuối tháng 6/2017, tại kỳ họp thứ 15, UBKT T.Ư đã quyết định kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Một trong những sai phạm của bà Thanh được UBKT T.Ư nêu rõ là việc trong suốt nhiều năm giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường hưng do chồng là cổ đông sáng lập, bà Thanh còn là người ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho công ty của chồng mình đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân, cấp phép và gia hạn cho công ty này kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng…

Trường hợp của bà Thanh có thể nói là điển hình cho “công ty sân sau”, “công ty gia đình” nhằm thu vén cá nhân.

“Hàng loạt vụ việc ở TP HCM, từ khu đô thị Thủ Thiêm, vụ Phước Kiến hay số 8 – 12 Lê Duẩn thì không chỉ một mình Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín làm được mà phải là những người trên cả 2 ông này nữa. Sân sau ở đây là quá rõ rồi vì không có những quan chức này đỡ đầu, chống lưng, cùng nhóm lợi ích thì làm sao họ làm được những việc động trời như vậy?” ông Nguyễn Đình Hương nói.

Để giải quyết triệt để tình trạng sân sau của quan chức như hiện nay, cần có một cơ chế tổ chức kiểm soát lạm dụng quyền lực được Quốc hội phê chuẩn để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tình trạng này. Cơ chế tổ chức này có thể do Tổng Bí thư đứng đầu và có quyền huy động các cơ quan hành pháp như công an, kiểm sát, kiểm toán để thực hiện việc thanh kiểm tra khi có dấu hiệu tham nhũng, sân sau. Bên cạnh đó cũng phải hình thành cơ chế để những người đề bạt để xảy ra mà có hành vi tham nhũng, sân sau, sân trước bị cách chức, thậm chí khai trừ Đảng, khởi tố nếu vi phạm pháp luật.

Tình trạng lạm dụng quyền lực trong bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ gây hậu quả rất khó đo đếm hết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, không ít cán bộ, đảng viên có chức vụ bị kiểm điểm, kỷ luật (thậm chí có người bị xử lý hành sự), trong đó có cán bộ cấp cao: Đinh La Thăng, Phan Thị Mỹ Thanh, Hồ Văn Năm, Tất Thành Cang… Khi xử lý mới vỡ lẽ nhiều cán bộ đã vi phạm trong thời gian dài trước khi được cất nhắc. Có cán bộ trong ngành bảo vệ pháp luật “dính” xã hội đen. Có người để lợi ích nhóm chi phối như trong vụ Vũ nhôm, Út trọc. Có người bảo kê, tham gia đường dây đánh bạc ngàn tỉ, có người nhận hối lộ vài chục ngàn đến cả triệu đô la như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… Trong hơn nửa nhiệm kỳ, cấp ủy và UBKT các cấp đã kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, trong đó BCH T.Ư thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (riêng năm 2018 có 38 cán bộ, đảng viên diện trung ương quản lý bị kỷ luật).

Chắc không phải ngẫu nhiên Vũ Quang Hải, Lê Trương Hải Hiếu, Lê Phước Hoài Bảo, Nguyễn Xuân Anh dễ dàng được bổ nhiệm, nhanh chóng thăng tiến ở vị trí quan trọng, để rồi phải sớm trả lại vị trí cho người xứng đáng. Chỉ đến khi UBKT T.Ư vào cuộc mới vỡ lẽ “hot girl xứ Thanh” thăng tiến thần tốc vì được “nâng đỡ không trong sáng” và không ít “con ông cháu cha” bị kỷ luật và vi phạm đạo đức lối sống… Chuyện Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng cấp và tên chị gái để thăng tiến ở Đắk Lắk, loạt quan chức gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang cho thấy yếu tố “lợi ích nhóm”, “người nhà, người thân” rất rõ. Nếu không có lợi ích trước khi về hưu, ông Vũ Huy Hoàng, ông Huỳnh Phong Tranh đã không “bổ nhiệm ồ ạt”, “thần tốc” hàng loạt cán bộ.

Liên quan đến những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng ở Khánh Hòa ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) đề nghị ban bí Thư xem xét thi hành án kỷ luật đối vơi chủ tịch và cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 3 ông Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng và Đào Công Thiên, riêng trường hợp ông Lê Thanh Quang, bí thư Tỉnh ủy, dù bị kết luận (vi phạm khuyết điểm rất nghiêm trọng) nhưng do đang mắc bệnh hiểm nghèo nên UBKT T.Ư chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.

Đối với ban thường vụ Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, theo UBKT T.Ư, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tập đoàn có nhiều vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ. Ban Thường vụ cũng để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản; hoạt động kinh doanh xăng dầu; cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước và thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tải sản của Nhà nước.

Để xảy ra những vi phạm trên UBKT T.Ư cho rằng, ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên chủ tịch HĐQT, nguyên tổng Giám đốc chịu trách nhiệm chính. Các ông Trần Văn Thịnh, nguyên tổng Giám đốc, Trần Minh Hải, phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty Petrolimex Singgapore cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công. “Vi phạm của ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và các cá nhân nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đến mức xem xét kỷ luật” thông báo của UBKT T.Ư nêu rõ.

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn bán thuốc ung thư giả H-Capita, HĐXX kiến nghị một loạt vấn đề liên quan đến quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc tại Việt Nam.

Chiều 1/10/2019, TAND TP.HCM tuyên phạt các bị cáo về tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bênh” gồm: Võ Mạnh Cường (41 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM hàng hải Quốc tế H&C) 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng (41 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) 17 năm tù; Nguyễn Trí Nhật và Ngô Anh Quốc (cùng nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) lần lượt 12 và 11 năm tù; 8 bị cáo đồng phạm còn lại từ 3 năm tù treo đến 7 năm tù.

Về phần dân sự, toàn bộ lô thuốc H-Capita sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đã bị phát hiện, thu giữ nên thiệt hại thực tế của VN Pharma là hơn 6 tỉ đồng, HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ.

Đồng thời, thông qua vụ án này, HĐXX nhận định có hiện tượng các công ty kinh doanh nhập khẩu nhập khẩu dược phẩm nâng khống giá thuốc thông qua các hợp đồng nhập khẩu, sau đó nhận lại khoản tiền nâng khống thông qua các công ty chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam rồi sử dụng các khoản tiền này phục vụ cho việc cạnh tranh trong thị trường dược phẩm. Việc này làm giá thuốc nhập khẩu tại thị trường Việt Nam cao hơn so với thực tế, gây ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là những lao động nghèo. Do đó, HĐXX đề nghị Bộ Y tế có biện pháp rà soát lại các loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc nhập khẩu trên thị trường để điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp, đúng với giá trị, chất lượng thực sự của thuốc.

Đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, HĐXX đánh giá hiện vẫn còn một số lỗ hổng pháp lý, dễ dàng để các đối tượng xấu lợi dụng nhập khẩu, sản xuất thuốc kém chất lượng vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, một số cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành y tế vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định của Bộ Y tế ban hành mà mang tính đối phó, như việc hồ sơ kỹ thuật thuốc vẫn còn hiện tượng thuê viết trong khi việc này phải do nhà sản xuất thực hiện và tuân theo quy trình chặt chẽ. HĐXX đề nghị Cục quản lý Dược - Bộ y tế nhanh chóng rà soát lại các quy định cũng như quy trình trong việc cấp phép, khắc phục các lỗ hổng pháp lý để không còn tình trạng đã xảy ra như vụ án này trong tương lai.

Ngày 1/10/2019, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi bị can, lệnh bắt tạm giam của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với ông Bùi Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí - Petroland, để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cũng trong ngày 01/10/2019, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt các quyết định trên và tiến hành khám nơi làm việc của ông Bùi Minh Chính tại Petroland. Trước đó Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hồi tháng 9/2019.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, với tư cách là Giám đốc Công ty Petroland, bị can Bùi Minh Chính đã ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỉ đồng.

Câu chuyện “cả họ làm quan” và đều được bổ nhiệm "đúng quy trình" có lẽ không phải là hiếm nữa. Dư luận hẳn vẫn chưa hết “sốc” chuyện cả họ làm quan tỉnh ở Hà Giang; ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội)… và cái mỹ từ “đúng quy trình” luôn được áp dụng cho việc bổ nhiệm này.

Cụ thể, ông Nguyễn Nhân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị tố có vợ là bà Ngô Thị Khường - Phó trưởng phòng Bảo hiểm Xã hội thành phố Bắc Ninh; con trai Nguyễn Nhân Chinh (sinh năm 1984) là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh và con trai Nguyễn Nhân Đạt (sinh năm 1989) là Trưởng phòng Thi đua, khen thưởng của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.

PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG TỪ GỐC RỄ MỚI LÀ GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2019, báo cáo thẩm tra mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga trình bày trước QH đồng tình với nhận định “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng giảm”, song cho rằng tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.

“Trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn… Dư luận cử tri cho rằng trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi”, bà Nga nhận định, và đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để dự báo đúng tình hình tham nhũng, đề ra giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả, sát tình hình thực tế.

Cùng quan điểm này, ĐB Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng đã đến lúc cần phải rút ra bài học về quản lý kinh tế, phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có chỗ nào sơ hở và dễ bị lợi dụng; chấn chỉnh ngay những sai phạm khi đang còn ở trong giai đoạn nguy cơ, không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý.

Qua phân tích các vụ án nêu trên, tôi thấy để giải quyết tốt chúng ta cần quán triệt quy định 205 của Bộ Chính trị về quản lý và xử lý cán bộ.

Trước tiên, Quy định 205 đã tiên lượng và giải quyết các mối quan hệ lớn giữa cá nhân với cá nhân cán bộ; mối quan hệ giữa cá nhân với đơn vị công tác của cán bộ; mối quan hệ giữa cá nhân với cơ quan tổ chức cán bộ; và mối quan hệ giữa cơ quan tổ chức cán bộ với các thành phần liên quan và nhân dân. Tất cả các mối quan hệ về cán bộ và liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ đều được đặt trong vòng kiểm tỏa. Một quy định mang tính tổng thể như thế nhưng lại rất cụ thể, rất dễ thực hiện. Đây là vấn đề mấu chốt nhất của cơ chế kiểm soát quyền lực.

Thứ hai, vấn đề trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong công tác cán bộ. Kiểm soát theo trách nhiệm. Giao trách nhiệm cho ai, tổ chức nào thì kiểm soát người đó, tổ chức đó; giao trách nhiệm tới đâu thì kiểm soát tới đó. Không có vấn đề này thì coi như không có công việc kiểm soát.

Thứ ba, căn cứ theo trách nhiệm, để xử lý, với mức độ rõ ràng về khen thưởng, cũng như xử lý kỷ luật. Không vô đoán, không đạo lý suông và không chung chung vô thưởng vô phạt. Xưa nay, ít có quy định nào lại đưa ra chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm khắc như vậy, cũng ít có bản quy định nào đúng nghĩa là những điều bắt buộc phải làm. Đó cũng chính là tinh thần của bản Quốc lệnh ngày 26/1/1946 của Hồ Chủ Tịch.

Chúng ta không thể kỳ vọng một bộ luật có thể bịt được tất cả các kẽ hở của cuộc sống. Nhưng phải nói đây là quy định căn bản, quy định gốc trong việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Và lần đầu tiên Đảng ta đặt thẳng một quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền” là sự tiên liệu và thực thi một vấn đề mang ý nghĩa thành bại mang tầm chiến lược về công tác vô cùng khó khăn nhưng hết sức quan trọng này./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét