Tính đến thời điểm hiện tại, KĐT Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) đã bị cắt nước 6 ngày liên tiếp, không có nước sạch sinh hoạt, cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn cư dân bị đảo lộn.
Khi tình trạng mất nước diễn ra, để được cấp nước trở lại BQT tòa nhà đã chủ động liên hệ với các bên liên quan như Sở Xây dựng, Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội, UBND huyện Đan Phượng… để tìm hiểu nguyên nhân và họ cũng mong muốn công ty Tây Hà Nội có thể tiếp tục cấp nước cho cư dân Tân Tây Đô. Nhưng sau rất nhiều lần làm việc với chính quyền UBND huyện Đan Phượng thì tình trạng mất nước tại KĐT vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Trước đó, tối ngày 7/11, Ban Quản lý toà nhà HHB đã liên hệ được với một Toà nhà chung cư bên Hoài Đức xin hỗ trợ nước. Trong tình hình khẩn cấp, không thể thuê được xe chở nước sạch đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đã buộc phải thuê tạm xe rửa đường để chứa nước sạch cho cư dân tạm thời sử dụng trong việc vệ sinh.
Bà Bùi Thị An- Đại biểu Quốc hội khóa XIII. |
Về vấn đề này, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Nếu như chủ đầu tư (CĐT) đã cam kết sẽ cung cấp nước cho đến khi Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội nhận bàn giao hạ tầng và chỉ dừng cấp nước khi Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng HT Group chứng minh được bằng pháp lý việc người dân nợ tiền nước đúng với số nợ của Công ty với Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội thì CĐT phải thực hiện đúng, còn nếu CĐT không thực hiện thì dân có thể khởi kiện ra tòa”.
“Còn nếu như không thể hòa giải thì đề nghị chính quyền phải vào cuộc để phân giải. Trong trường hợp này, chính quyền phải vào cuộc để xem rõ đúng sai ở đâu để kịp thời xử lý. Chính quyền cần phải có trách nhiệm với dân, để đảm bảo cuộc sống cho dân, nhất là những điều kiện sinh sống tối thiểu như ăn ở là chính quyền phải lo”, bà An cho biết thêm.
Cư dân chật vật trong những ngày thiếu nước. |
Khi trao đổi với PV về vấn đề pháp lý, bà An cũng cho rằng: “Trước hết chính quyền phải vào cuộc để xử lý xong chuyện ai đúng ai sai đã, chứ không để những vấn đề ảnh hưởng đến dân, còn phía chủ đầu tư đã cam kết với dân thì phải theo hợp đồng, có thể kiện ra tòa được.
Trước những ý kiến trái chiều về việc chính quyền bất lực trước doanh nghiệp, bà An bức xúc chia sẻ: “ Trong sự việc này, tôi đề nghị chính quyền địa phương cần phải vào cuộc. UBND huyện Đan Phượng không chỉ đạo cho doanh nghiệp thực hiện đúng theo văn bản của Chủ tịch huyện như thế là không thể được, cấp dưới bất lực thì cấp trên phải vào cuộc, không thể để tình trạng dân không có nước sử dụng như vậy được. Nếu không thì phải trình báo tới cơ quan có thẩm quyền, chứ tại sao lại để tái diễn nhiều lần tình trạng mất nước như vậy?"
Trong trường hợp này phải xử lý đến cùng, dứt khoát phải giải quyết đúng sai. Đồng thời, bà An cũng đề nghị cư dân báo cáo cấp chính quyền cao hơn.
“Tôi đề nghị đồng chí Bí thư Huyện ủy Đan Phượng và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng vào cuộc, xem rõ đúng sai để giải quyết cho người dân. Dân sai thì giải quyết xử lý dân, còn nếu doanh nghiệp sai thì cần phải xử lý. Mục tiêu cao nhất là phải giải quyết cho người dân có nước sinh hoạt, không thể để tình trạng mất nước kéo dài như vậy”.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
0 nhận xét