Phú Yên có mưa to từ sáng nay
Theo báo Pháp luật TP. HCM, chiều 10/11, tại các huyện Tuy An, Đông Hòa, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho thấy mưa mỗi lúc một nặng hạt kèm gió giật mạnh. Sóng biển dâng cao 2-3 m, đánh dữ dội vào bờ.
Sóng biển đánh sâu vào bên trong cầu Đà Nông thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa. Vùng ven biển có gió giật rất mạnh, xe máy khó có thể di chuyển được.
Trong sáng 10/11, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục đi kiểm tra việc sơ tán người đi tránh bão tại khu vực Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.
Theo ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, chỉ riêng vùng nuôi thủy sản vịnh Vũng Rô có 283 hộ với 634 người làm việc trên các bè nuôi cần sơ tán khẩn cấp. UBND huyện Đông Hòa đã thành lập hai đoàn cưỡng chế sơ tán đối với những người còn lại trên các bè nuôi thủy sản.
Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu huyện Đông Hòa cùng các lực lượng chức năng đi tàu ra khu vực nuôi thủy sản kiểm tra từng bè, tuyệt đối không để người dân nào ở lại.
Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu huyện Đông Hòa cùng các lực lượng chức năng đi tàu ra khu vực nuôi thủy sản kiểm tra từng bè, tuyệt đối không để người dân nào ở lại.
Chủ tịch (trái), phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đi kiểm tra vùng triều cường xã An Chấn, huyện Tuy An. Ảnh: PLO. |
Tại TX Sông Cầu (Phú Yên), ngay từ sáng nay đã có mưa to, gió lớn, nhưng theo báo Giao thông, hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản trên đầm Cù Mông vẫn cố gắng gia cố lồng bè, bảo vệ số cá tôm đang nuôi. Chắc ăn hơn, nhiều hộ thu hoạch số cá, tôm trong các lồng di chuyển, thả vào trong các lồng kín các đìa cao. Các lồng kín này được neo chặt vào trong đất ở các đìa nuôi giúp cá không "đi" ra ngoài nếu nước dâng cao trong bão.
“Cơn bão số 5 vừa rồi mình chủ quan, nên không chuyển số cá vào. Khi bão vào nước dâng cao làm cá đi hết, mình thiệt hại gần 700 triệu. Giờ còn khoảng hơn 2.000 con mình phải giữ chứ không làm mất trắng”, ông Phan Sông Thu (thôn Hòa Phú - Xuân Hòa - TX. Sông Cầu) cho biết.
Ông Đỗ Văn Chính - Trưởng phòng kinh tế TX. Sông Cầu cho biết địa phương có hơn 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản lồng, bè với gần 2.000 bè nổi, 70.000 lồng tôm hùm thịt, 23.800 lồng tôm hùm ươm và gần 6.000 lồng cá biển. Hiện nay bà con đã và đang tích cực chằng chống, gia cố ngay tại vị trí nuôi; lồng nuôi thả sệt sát đáy để tránh gió, nước lũ.
“Sau khi gia cố, các chủ lồng bè sẽ di dời vào bờ trước 12h trưa nay”, ông Chính cho hay.
Quảng Ngãi: Di dời người dân đến nơi an toàn
Tại Quảng Ngãi, trưa 10/11, ông Nguyễn Tăng Bính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp đến bờ kè xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) kiểm tra tình hi di dời, sơ tán dân.
Theo ông Bính, tỉnh Quảng Ngãi đã di dời, sơ tán hơn 10.000 hộ dân đến nơi an toàn, việc di dời dân cơ bản đã hoàn tất. Đa phần người dân tự di dời xen ghép từ những nhà không kiên cố đến những nhà kiên cố và nhiều điểm di dân tập trung.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra công tác phòng chống bão trước khi bão số 6 đổ bộ. Ảnh: PLO. |
“Việc di dân đã hoàn tất, nếu hộ dân nào không thực hiện việc di dời sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, ý thức người dân cơ bản tốt, họ tự di chuyển qua nhà hàng xóm kiên cố để tránh bão. Một số người còn ở nhà thì lực lượng chức năng đến nói, phân tích cho họ hiểu mức độ nguy hiểm cũng đã tự thực hiện”, ông Bính nói.
Trong sáng nay, ông Bính đã đến các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi để kiểm tra tình hình ứng phó với bão ở các địa phương. “Tại các vùng xung yếu, địa phương đã chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng ứng phó với bão”, ông Bính nói.
Trong buổi thị sát sáng nay, ông Bính yêu cầu chính quyền tại các khu vực thấp, trũng ven sông Trà Bồng và các vùng hạ lưu sông phải được thông báo thường xuyên, hỗ trợ người dân phòng chống bão số 6.
Bình Định sơ tán gần 10.000 người tránh bão
Đến trưa 10/11, toàn tỉnh Bình Định đã cấp tốc di dời gần 10.000 nhân khẩu của 2.604 hộ dân đến những nơi an toàn để tránh bão. Ngoài huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn chưa triển khai di dời dân, còn lại tất cả 9 huyện, thành phố khác trong tỉnh Bình Định đều đã đưa dân đến nơi an toàn.
Tỉnh cũng đã huy động trên 3.700 cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng… cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 5 xuống các địa phương ven biển, vùng xung yếu để hỗ trợ dân trong cơn bão số 6.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã hoàn thành việc thiết lập Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu tại Bình Định để làm nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 6. Đã có 638 phương tiện được huy động, trong đó có 28 xe đặc chủng có thể đi được trong bão.
Ảnh: TTXVN. |
Bộ Quốc phòng cũng đã điều động 9 tàu cảnh sát biển và 4 tàu hải quân đến vùng biển Nam Trung Bộ để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương trong tình huống khẩn cấp trên biển.
Các lực lượng vũ trang huyện, dân quân tự vệ và thanh niên xung kích tại các địa phương đã tập trung giúp dân thu dọn tài sản, chằng chống nhà cửa và hỗ trợ sơ tán người dân.
Trong số các địa phương phải di dời dân, nhiều nhất là huyện Hoài Nhơn với 1.798 người phải di dời đến những ngôi nhà kiên cố, những vùng cao để tránh bão.
Phó Phủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có dân được di dời khẩn cấp. Tại các xã Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Châu Bắc, thị trấn Tam Quan… có nhiều khu dân cư nằm trong vùng xung yếu, các cơ quan chức năng đã di dời hết những hộ dân tại đây. Đối với người nuôi hải sản bằng lồng bè trên biển, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu vào bờ tránh bão.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào lúc 15h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8oN; 110,6oE, cách đất liền các tỉnh Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa khoảng 150km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất: cấp 10 (90-100km/h), giật cấp 13.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét