Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Lai Châu
Tối 5/10, tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh (1909-2019), 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (1949-2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đạt được trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh những thành tựu mà tỉnh Lai Châu đã đạt được thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể đồng bào các dân tộc Lai Châu. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là một tỉnh khó khăn nhất cả nước, quy mô kinh tế nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; văn hóa – xã hội có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số nhân tố phức tạp…
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trưc Ban Bí thư gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai) lên Cờ truyền thống của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Thường trực Ban Bí thư đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và đồng bào các dân tộc của tỉnh Lai Châu cần phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tỉnh tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo tiền đề vững chắc để Lai Châu phát triển thành tỉnh khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Tỉnh cần tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút các nguồn lực, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; coi trọng phát triển nông nghiệp tập trung hàng hoá áp dụng công nghệ cao, chế biến nông sản, gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng di dân tái định cư... Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống; xây dựng thế quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ gắn với xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác ổn định lâu dài.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ cấp cơ sở…
Dịp này, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam
Chiều 5/10, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-5/10/2019, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thời gian thăm, Thủ tướng Hun Sen đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Lãnh đạo hai nước đã trao đổi sâu rộng và đạt được những nhận thức chung quan trọng về quan hệ song phương Việt Nam - Campuchia cũng như sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Hai bên tái khẳng định cùng quyết tâm gìn giữ và không ngừng nuôi dưỡng, phát triển quan hệ hai nước lên những tầm cao mới trên cơ sở tin cậy chính trị, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa việc tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trong chiến tranh tại Campuchia và hợp tác chặt chẽ để đẩy nhanh việc trùng tu các Đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại Campuchia.
Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Hai bên nhất trí phát huy mọi tiềm năng nhằm đưa kinh tế trở thành lĩnh vực trụ cột trong quan hệ song phương; đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế bằng việc sớm hoàn tất Quy hoạch tổng thể về kết nối hai nền kinh tế đến năm 2030, triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã ký về kết nối giao thông hai nước, bao gồm Bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác Giao thông vận tải giai đoạn 2018-2015, tầm nhìn 2030.
Hai bên nhất trí duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới thông qua tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội chợ và triển lãm ở hai nước; triển khai đúng tiến độ các dự án hỗ trợ và tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả các gói hỗ trợ của Việt Nam cho Campuchia; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, hàng không, tài chính ngân hàng, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng và chế biến nông-lâm-thủy sản, y tế…
Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt tại ASEAN và các cơ chế liên quan, Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Á-Âu (ASEM); khẳng định phối hợp chặt chẽ trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Campuchia là chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM-13.
Hai bên nhắc lại lập trường của ASEAN về Biển Đông nêu tại các tuyên bố chung gần đây, đặc biệt là Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52). Hai bên cho rằng, tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông cần phải sớm được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS).
250 công nhân lao động xuất sắc tham gia Hội thi Thợ giỏi năm 2019
Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong 2 ngày 4 và 5/10, tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp tổ chức “Hội thi Thợ giỏi năm 2019” với sự tham dự của 250 thí sinh tiêu biểu đến từ 83 doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng, hội thi năm nay thu hút 11 ngành nghề thuộc 24 doanh nghiệp FDI và 59 doanh nghiệp tư nhân tham gia. Cụ thể là các nghề: Tiện vạn năng (21 thí sinh), phay vạn năng (17 thí sinh), tiện CNC (21 thí sinh), phay CNC (29 thí sinh), vẽ và thiết kế trên máy tính (18 thí sinh), hàn điện (32 thí sinh), hàn CO2 (47 thí sinh), hàn TIG (11 thí sinh), may công nghiệp (20 thí sinh), điện CN (27 thí sinh), công nghệ ô tô (7 thí sinh).
Đánh giá của Ban tổ chức hội thi cho thấy, qua 2 ngày tranh tài sôi nổi, hầu hết các thí sinh đều chấp hành tốt quy chế hội thi, bình tĩnh, tự tin thể hiện bản lĩnh, trình độ tay nghề. “Chất lượng nhiều bài dự thi đạt khá xuất sắc các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định của hội thi. Điều đó khẳng định vai trò hết sức quan trọng của các công nhân giỏi nghề đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, nên đã thu hút đông đảo cơ sở và thí sinh tham gia kể cả lĩnh vực công nghệ mới như hàn CO2, may, điện công nghiệp và vẽ thiết kế trên máy tính”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 11 giải Nhất cho 11 cá nhân xuất sắc ở 11 nghề dự thi. Đồng thời, trao 22 giải nhì, 33 giải ba và 20 giải khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc và trao Bằng khen cho 6 tập thể có thành tích cao trong phong trào thi đua này.
11 giải Nhất thuộc về các thí sinh xuất sắc: Nguyễn Ngọc Hoài và Võ Văn Ngoạn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam, Hoàng Văn Đức - Công ty Trách nhiệm hữu hạn ToTo Việt Nam, Dương Văn Chuyển - Công ty Trách nhiệm Denso Việt Nam, Nguyễn Đức Đan và Nguyễn An Ngọc - Công ty Cổ phần Tomeco An Khang, Vi Trung Khánh - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamaha Motor Việt Nam, Đinh Văn Trọng - Công ty Kiến trúc AVITYCO, Nguyễn Thị Huế - Công ty Trách nhiệm hữu hạn D-Code, Nguyễn Xuân Đại - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy và Thiết bị Lam Uy, Đỗ Văn Vượng - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyota Long Biên.
Phát biểu tại hội thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết, trong những năm qua, các phong trào thi đua như: "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi Thủ đô", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô" và đặc biệt phong trào "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong công nhân lao động Thủ đô" do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát động đã trở thành một trong những phong trào thi đua tiêu biểu nhất trong các phong trào thi đua của công nhân viên chức lao động Thủ đô.
Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa trao Bằng khen cho 6 tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN |
Điểm nhấn của các phong trào này là chuyển trọng tâm thi đua về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất. Do vậy, tính hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã được đánh giá cao, thu hút đông đảo công nhân viên chức lao động thuộc các thành phần kinh tế trong các ngành, địa phương, cơ sở của thành phố hưởng ứng tích cực.
Việc tổ chức hội thi Thợ giỏi năm 2019 chính là dịp để tôn vinh những công nhân lao động giỏi, có tay nghề kỹ thuật cao trong lao động sản xuất; đồng thời thông qua đó cũng là sân chơi để công nhân lao động có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại, lập các kỷ lục mới về năng suất lao động, tiến độ, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tăng năng suất lao động của đơn vị, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh, thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhất là những thành tựu của nền công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của công nhân lao động, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp.
Để phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” đạt được hiệu quả, đề nghị các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn cần tiếp tục có sự phối hợp tốt hơn nữa, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 34/CT-TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng". Trong đó, hướng tập trung phong trào thi đua vào việc tăng năng xuất lao động, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện đời sống người lao động.
Phiên họp lần thứ hai của Hội đồng CPTPP được tổ chức tại New Zealand
Theo kết quả của phiên họp lần thứ nhất Hội đồng CPTPP được tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 01/2019, phiên họp lần thứ hai của Hội đồng CPTPP được tổ chức tại New Zealand từ ngày 6-9/10. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp này.
Như vậy, kể từ khi CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, các nước thành viên phê chuẩn hiệp định đã bắt đầu thực thi các cam kết của mình. Trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về xu hướng gần đây đối với chủ nghĩa bảo hộ, việc duy trì và củng cố hơn nữa các nguyên tắc của một hệ thống thương mại hiệu quả, cởi mở, toàn diện và dựa trên các quy tắc ngày càng trở nên rất quan trọng.
Tại phiên họp hồi tháng 01, các Bộ trưởng CPTPP đã nhắc lại rằng hiệp định này dành cho tất cả các nền kinh tế chấp nhận các nguyên tắc CPTPP và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định và khẳng định quyết tâm mạnh mẽ để mở rộng thỏa thuận thông qua việc gia nhập các nền kinh tế mới. CPTPP đã được phê chuẩn bởi 7 trong số 11 quốc gia thành viên là New Zealand, Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và Việt Nam. Bốn nước còn lại là Brunei, Chile, Malaysia và Peru vẫn chưa hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ.
Phiên họp lần thứ hai của Hội đồng CPTPP tại New Zealand sẽ là cơ hội để thúc đẩy các nước còn lại dựa trên cam kết tập thể của CPTPP đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả hiệp định và thúc đẩy mở rộng hiệp định theo thời gian.
Là nước chủ nhà của phiên họp Hội đồng CPTPP lần thứ hai, New Zealand đã phê chuẩn hiệp định vào tháng 10 và có hiệu lực thực thi vào ngày 30 tháng 12 năm ngoái. Chính phủ New Zealand cam kết sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu của nước này tiếp cận thị trường 480 triệu người tiêu dùng của 11 quốc gia, trong đó có 4 quốc gia mà New Zealand hiện không có hiệp định thương mại.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét