Hà Tĩnh cần gần 21.000 tỷ đồng làm hạ tầng
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đề xuất đưa 10 dự án phát triển hạ tầng giao thông cần thiết đầu tư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 20.949 tỷ đồng.
Đối với đường bộ cao tốc, UBND Tỉnh đề xuất sử dụng vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện đường cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng dài 87,44 km với tổng mức đầu tư 12.693 tỷ đồng.
Đối với cảng biển, địa phương này đề xuất xây dựng công trình nối dài đê chắn sóng phía Bắc, xây dựng đê chắn sóng phía Tây khu bến cảng tổng hợp Vũng Áng với tổng mức đầu tư là 840 tỷ đồng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ngoài ra, Hà Tĩnh đề xuất 7 dự án gồm: Quốc lộ 15 đoạn Km369+00 - Km395+700 Lạc Thiện - Khe Giao (1.013 tỷ đồng); Quốc lộ 1 đoạn Km561+00 - Km587+00 qua thị xã Kỳ Anh và khu kinh tế Vũng Áng (1.540 tỷ đồng); Quốc lộ 12C đoạn từ tuyến tránh Quốc lộ 1 đến địa phận tỉnh Quảng Bình (1.137 tỷ đồng); Quốc lộ 18C đoạn Km90+600 - Km 141+90 cầu Ghềnh Tàng - Quốc lộ 46 (1.431 tỷ đồng); Quốc lộ 8C đoạn Km0+00 - Km11+350 thị trấn Thiên Cầm - QL1 (605 tỷ đồng); Quốc lộ 12C đoạn từ cảng Vũng Áng đi tuyến tránh Quốc lộ 1 (581 tỷ đồng); Quốc lộ 281 đoạn KM51+500 - Km 78+00 (678 tỷ đồng).
Dự án cải tạo, nâng cấp đường Tản Lĩnh - Yên Bài chính thức khởi công
Ngày 6/10, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã khởi công dự án cải tạo, nâng cấp đường Tản Lĩnh - Yên Bài, thuộc địa phận huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Dự lễ khởi công có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng.
Tuyến đường Tản Lĩnh - Yên Bài có chiều dài 8,2km từ Km2+400 đến Km10+500 (nối từ Đại lộ Thăng Long kéo dài đến tỉnh lộ 414). Mặt cắt ngang 12m, trong đó 11m mặt đường, tốc độ thiết kế 60km/h. Tổng mức đầu tư dự án là 206 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 270 ngày, kể từ ngày khởi công.
Các đại biểu khởi công dự án. |
Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng tổng cộng 12,4 ha, trong đó có 12,2ha thuộc địa bàn các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì) và 0,2ha thuộc địa bàn phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây).
Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, việc cải tạo, nâng cấp đường Tản Lĩnh - Yên Bài có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cường năng lực giao thông cho khu vực phía Tây Thủ đô, tạo điều kiện kết nối trung tâm TP Hà Nội với các khu văn hóa, du lịch thuộc huyện Ba Vì như: Rừng quốc gia Ba Vì; Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Khu di tích khu di tích K9 và các danh lam thắng cảnh trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cùng các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn và các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn của dự án.
Siết hoạt động kinh doanh xe đưa đón học sinh
Theo Sở GTVT TPHCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM tại văn bản số 8391/VP-ĐT ngày 14-9-2019 về triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đối với xe đưa đón học sinh.
Theo đó, tất cả các phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố, các phương tiện đưa đón học sinh tại các trường thuộc khối mầm non và tiểu học sẽ được tập trung kiểm tra trước.
Các nội dung kiểm tra gồm giấy phép kinh doanh vận tải; giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; dừng, đậu không đúng quy định; phù hiệu (biển hiệu) theo quy định; thiết bị giám sát hành trình của phương tiện; hợp đồng vận chuyển, danh sách theo quy định (nếu có)...
Các hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông khu vực, hoạt động của đơn vị vận tải và đặc biệt không ảnh hưởng đến thời gian học tập, quá trình đưa đón của học sinh.
Tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công đường sắt đô thị
Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ban hành Thông báo số 9071/TB-SGTVT về phương án tổ chức giao thông, phân luồng giao thông phục vụ thi công dốc hạ ngầm, giai đoạn 4, đoạn từ cổng khách sạn Deawoo đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã thuộc Dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Theo đó, tại phố Kim Mã, khu vực ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã sẽ rào chắn và tổ chức lại giao thông phục vụ thi công dốc hạ ngầm giai đoạn 4 thuộc đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội.
Thời gian qua, nhiều tuyến đường được tổ chức phân luồng giao thông để phục vụ thi công đường sắt trên cao. Ảnh: Đ.L |
Rào chắn hiện trạng được kéo dài 58.6m, rộng 21.8m bao gồm toàn bộ mặt đường hiện trạng phía khách sạn Deawoo. Phố Kim Mã đoạn từ Đền Voi Phục đến ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh được tổ chức một chiều theo hướng đi Trung tâm thành phố. Dự kiến, thời gian tổ chức giao thông trên diễn ra trong khoảng 170 ngày.
Các tuyến xe buýt hướng từ ngã tư Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh đến Voi Phục được điều chỉnh lộ trình tạm thời như sau: Tuyến 27 và 28 đi theo hướng Nguyễn Chí Thanh – Chùa Láng – Đường Láng; tuyến 32 và 34 đi theo hướng Nguyễn Chí Thanh – Đào Tấn – Bưởi – điểm Trung chuyển Cầu Giấy; tuyến 38 đi theo hướng Kim Mã nhỏ - Đào Tấn – Nguyễn Khánh Toàn; tuyến 9A đi theo hướng Nguyễn Chí Thanh – La Thành. Xe buýt hướng ngược lại giữ nguyên.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét