Lũ dâng cao ở trung tâm Bình Phước, hàng chục hộ dân không kịp trở tay
Cơn mưa lớn vào đêm 4/10 khiến nước lũ dâng cao tại khu vực trung tâm TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Lực lượng chức năng phải huy động lực lượng sơ tán người dân khỏi vùng ngập.
Ông Nguyễn Minh Bình - Chủ tịch UBND TP Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết, vào sáng nay một số khu vực tại TP Đồng Xoài bất ngờ bị ngập sâu, nước dâng cao khiến nhiều hộ dân bị cô lập. Trong đó các khu vực trũng ở các phường Tân Đồng, Tân Thiện, Tân Xuân bị ngập sâu.
Ngay trong sáng cùng ngày, TP Đồng Xoài đã huy động hàng trăm người thuộc lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sơ tán người dân đến khu vực an toàn.
Hàng chục hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn |
Lực lượng chức năng đã sơ tán gần 100 người trong vùng ngập cùng tài sản của người dân đến nơi an toàn, không còn trường hợp mắc kẹt tại vùng ngập lụt.
Theo người dân, nước lũ bắt đầu dâng cao từ khoảng 6h cùng ngày, do nước đổ về nhanh nên người dân không kịp trở tay, một số người bị mắc kẹt phải chờ lực lượng
lượng chức năng dùng ca nô giải cứu ra ngoài.
Theo lãnh đạo TP Đồng Xoài, trước đó vào đêm 4/10 trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến khu vực trung tâm bị ngập. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng ghi nhận không có thương vong về người.
Cơ quan chức năng Bình Phước cho rằng, đây là trận lũ lớn nhất trong 10 năm qua tại địa phương. Đến chiều nay, lượng nước đã rút dần, tuy vậy lực lượng chức năng vẫn phải túc trực để đề phòng xảy ra sự cố.
Nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường
Những năm gần đây, tại một số xã, thị trấn H. Phù Cát (Bình Định), nhiều người dân đầu tư, mở rộng chăn nuôi heo để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, hầu hết các hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi trong khu dân cư mà chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đảm bảo kỹ thuật khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống của những gia đình lân cận.
Từ năm 2016 đến nay, nhiều người dân ở đội 6 (thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến, H. Phù Cát) liên tục bị trại chăn nuôi heo của hộ gia đình ông Đỗ Thành Cang (trú cùng địa phương) “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe. Theo người dân, gia đình ông Cang nuôi 6 - 7 con heo nái, mỗi lứa đẻ hàng chục heo con đều giữ lại để nuôi heo thịt. Nuôi với số lượng nhiều và nằm trong khu dân cư nhưng chủ hộ không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý phân và nước thải đúng kỹ thuật. Mỗi khi vệ sinh chuồng trại, nước thải và phân heo chảy lênh láng ra ngoài, bốc mùi hôi tanh, ô nhiễm môi trường. Bà Phan Thị Hưởng, nhà sát trại chăn nuôi heo của gia đình ông Cang, than thở: “Chất thải từ trại nuôi heo của gia đình ông Cang chảy trực tiếp ra môi trường, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi và nhiều hộ xung quanh. Tôi gặp trực tiếp gia đình ông Cang nói chuyện, đề nghị có biện pháp khắc phục, nhưng tình trạng ô nhiễm cứ ngày một nặng nề hơn. Rất mong chính quyền địa phương sớm xử lý dứt điểm, không để tình trạng ô nhiễm kéo dài”.
Nước thải từ chuồng heo của bà Thúy chảy trực tiếp ra môi trường, tập trung vào hố tự hoại bốc mùi hôi thối. |
Tương tự, nhiều năm nay, hơn 10 hộ dân ở tổ 1 (khu phố An Phú, thị trấn Ngô Mây, H. Phù Cát) vô cùng khổ sở với mùi hôi thối bốc ra từ chuồng nuôi heo của gia đình bà Thúy (trú cùng địa phương). Dù nuôi với số lượng nhiều nhưng bà Thúy không xây hệ thống xử lý nước thải. Phân heo và chất thải được cho chảy theo con mương xi măng dẫn từ chuồng ra khoảnh đất trống, rồi tập kết tại hố tự hoại. Mùi hôi tanh bốc lên từ hố này khiến các gia đình ở xung quanh không sao chịu nổi. Ngoài ra, nơi đây còn là môi trường thuận lợi sinh sôi các loại ruồi nhặng, rồi phát tán khắp nơi. Bà Ngô Thị Hồng Thanh (người dân địa phương) bức xúc: “Tôi nhiều lần đề nghị chủ hộ có biện pháp khắc phục, họ cũng hứa này nọ nhưng đâu lại vào đó. Mùi hôi thối từ chuồng heo vẫn khiến gia đình tôi và nhiều nhà khác không sao chịu được. Tại các cuộc họp tổ, khu phố, tôi đều ý kiến, đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, nhưng đã nhiều năm qua tình hình không thay đổi”.
Ngoài khu phố An Phú, trên địa bàn thị trấn Ngô Mây còn khu phố An Kim cũng có khá nhiều hộ gia đình chăn nuôi heo, gà. Điểm chung là những hộ này không xây dựng hệ thống xử lý phân và nước thải, khiến mùi hôi thối bốc ra từ các chuồng trại làm nhiều gia đình ở xung quanh khổ sở.
Còn tại xã Cát Trinh (H. Phù Cát), người dân ở thôn An Đức và Phú Kim cũng thường xuyên sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ các chuồng trại chăn nuôi heo. Đơn cử tại xóm 7, thôn Phú Kim, hàng chục hộ gia đình sống xung quanh nhà ông Nguyễn Văn Quốc vô cùng khốn khổ bởi mùi hôi của chất thải và phân heo. Người dân ở xung quanh nhiều lần góp ý, đề nghị ông Quốc khắc phục nhưng không những không hợp tác ông Quốc còn có lời lẽ thách đố.
Liên quan tình trạng này, đại diện chính quyền các địa phương cho rằng nhiều hộ gia đình chăn nuôi để phát triển kinh tế nên không thể cấm, nhất là tại khu vực nông thôn. Địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng thực tế chưa đạt yêu cầu. Việc chăn nuôi vẫn gây ảnh hưởng, tác động xấu tới môi trường và cuộc sống các hộ dân lân cận. Theo ông Hà Trọng Dưỡng - Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, xã đã cử cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường kiểm tra, xử lý đối với hộ gia đình ông Cang. Gia đình ông Cang cam kết, có biện pháp xử lý môi trường nhưng đến nay chưa triệt để. Tới đây, địa phương tiếp tục làm việc với ông Cang, đề nghị khắc phục. Nếu gia đình ông không thực hiện thì sẽ báo cáo Phòng TN&MT huyện xử lý theo quy định pháp luật. Còn ông Phạm Dũng Luận - Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây cho biết, địa phương sẽ cử cán bộ chuyên môn về khu phố An Phú và An Kim kiểm tra. Nếu đúng như người dân phản ảnh, thị trấn sẽ yêu cầu các hộ chăn nuôi khắc phục, đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư.
Hậu Giang: Nước dâng cao, hàng loạt liếp mía vàng lá
Những ngày này, ông Tống Hoàng Anh ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp đứng ngồi không yên bởi 1ha mía Roc 16 của gia đình ông đã ngập hơn 40cm trong nhiều ngày. Do mía đã quá ngày thu hoạch nay bị ngập nước nên xuống lá nhanh.
Có hàng trăm nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp có hoàn cảnh giống ông Tống Hoàng Anh nên người dân mong nhà máy đường đi vào hoạt động đúng như lịch đã thông báo.
Hàng loạt liếp mía của nông dân Phụng Hiệp bị ngập sâu, mía vàng lá |
“Nước lũ đổ về kết hợp triều cường dẫn đến nhiều diện tích mía bị ngập. Một số diện tích mía ngập nước đã vàng lá. Tỉnh đang giám sát việc nhà máy đường Phụng Hiệp cam kết đi vào hoạt động vào ngày 10-10 tới đây để giúp nông dân tiêu thụ mía chạy nước ngập” – ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết vào sáng ngày 6-10
Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, năm nay toàn huyện có hơn 6.400ha mía. Thời gian qua nông dân trong huyện đã thu hoạch bán mía chục gần 1.000 ha. Hiện toàn huyện còn khoảng 5.400ha mía, tuy nhiên trong đó có khoảng 70% diện tích đã bị ngập từ 10- 30cm, thời gian ngập từ 5 đến hơn 10 ngày. Nhiều khu vực mía đã có hiện tượng đỏ lá. Ông Phan Thành Lâm - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Nếu triều cường tiếp tục tái diễn thì cây mía có nguy cơ bị thiệt hại về năng suất và chất lượng chữ đường. Đề nghị nhà máy đường ưu tiên thu hoạch đối với những giống mía chín sớm, và tăng cường lực lượng thu hoạch, phương tiện để mà vận chuyển hết mía ra đến nhà máy tránh thất thoát về năng suất và chất lượng chữ đường”.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét