Open top menu
Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Dư luận và báo chí trong những ngày qua xôn xao với thông tin về tòa nhà bê tông Panorama với các chức năng nhà nghỉ, nhà hàng, quán cà phê... chễm chệ trên đèo Mã Pì Lèng.

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc cho biết, nhà nghỉ Panorama nằm trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh. Lãnh đạo huyện lý giải, sở dĩ mọc lên công trình này là theo các nhà tư vấn, huyện Mèo Vạc cần kêu gọi đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản để tạo điều kiện cho du khách tham quan.

Tháng 3/2018, huyện Mèo Vạc được giao xây dựng điểm dừng chân ngắm hẻm Tu Sản với nguyên tắc sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực. Tòa nhà bê tông Panorama do bà Vũ Ngọc Ánh (người địa phương) làm chủ đầu tư.

Nói về việc cấp phép của dự án này, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết, đây là khu vực nông thôn nên việc cấp phép xây dựng được miễn. Tuy nhiên, để quản lý những công trình phục vụ công cộng như thế này thì cũng cần kiểm soát qua những thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản như là thẩm tra thiết kế, thẩm định sự phù hợp của công trình.

"Theo tôi nắm được thì công trình chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý mà đã xây dựng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp hành chính quản lý địa bàn, đó là huyện Mèo Vạc. Công trình chưa đủ thủ tục thì phải yêu cầu đình chỉ, còn nếu hoàn thành thì phải xem xét hướng xử lý, có thể phải tháo dỡ. Nếu ảnh hưởng đến di sản, môi trường thì những phần nào ảnh hưởng sẽ phải tháo dỡ".

Tuy nhiên, việc các cấp, ngành quản lý của tỉnh Hà Giang để công trình không phép mọc lên ở kỳ quan cũng không tránh khỏi trách nhiệm.

Liên quan đến công trình khách sạn xây trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, KTS Trần Huy Ánh thẳng thắn: “Phải hoàn nguyên đỉnh Mã Pì Lèng! Không nên lấy sai lầm khác để chữa một sai lầm đã có. Phải can đảm để nhìn ra căn nguyên của sai lầm đó một cách sâu sắc”.

Ở góc độ chuyên môn, KTS Trần Huy Ánh nhận định Panorama là một công trình phá vỡ kiến trúc và thể hiện quản lý nhà nước yếu kém.

Nói rộng ra, KTS Ánh bình luận: Những thỏa hiệp của chính quyền với doanh nghiệp không chỉ ở Hà Giang mà ở nhiều nơi khác đã chồng chất lên những tai họa nản lòng, làm cho thế hệ trẻ không còn gì của ông cha để lại nữa cả. “Chúng ta tiêu phí một cách lãng xẹt, đó là một thế hệ đáng trách, cần phải nghiêm khắc nhìn lại một cái lỗi lầm chứ không thể thỏa hiệp được nữa” - KTS Ánh bày tỏ.

Trao đổi với báo Tiền Phong, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thẳng thắn nhận xét công trình nhà nghỉ Mã Pì Lèng là phản cảm. Ông gọi đây là công trình lộn xộn, là khối bê tông xấu xí “xây dựng tại nơi hùng vĩ dứt khoát ảnh hưởng tới di sản dù có thể không lấn vào vùng lõi”.

Người dân đôi khi chỉ nhìn thấy địa điểm đẹp có thể kinh doanh sinh lời, không quan tâm và hiểu biết về di sản. “Nếu thấy công trình nhiều sai phạm, ảnh hưởng tới di sản nếu cần đập bỏ cũng phải làm”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nói. Ông nêu quan điểm nếu không xử lý nghiêm nêu gương, nhiều công trình tương tự mọc lên ở các danh thắng, di sản khác.

Một số người cho rằng ở nước ngoài cũng có những điểm dừng chân, ngắm cảnh và nghỉ dưỡng tương tự nhưng không bị phản ứng. Theo GS.TS. Tạ Hòa Phương, cảnh quan chính ở khu vực Mã Pì Lèng này là hẻm vực sông Nho Quế rất nhỏ, chỉ một vài km nên phạm vi ảnh hưởng cũng khác. Ông dẫn chứng ngay việc xây dựng công trình thu hút du lịch ở đại vực Grand Canyon (Mỹ) cũng bị dư luận lên án rất ghê, coi đó là hành vi phá hủy mỹ quan thiên nhiên thế giới.

Bảo My (t/h)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét