Nó tạo ra sự hấp dẫn, sống động và rực rỡ cho tòa nhà. Bài báo đề cập đến vai trò của chiếu sáng kiến trúc mặt ngoài tòa nhà, qua đó đưa ra một số quan điểm và nguyên tắc chiếu sáng nghệ thuật mặt ngoài kiến trúc cao tầng, hướng tới tạo dựng một diện mạo mới về đêm cho đô thị.
Chiếu sáng mặt ngoài một số nhà cao tầng ở Hà Nội |
Thực trạng chiếu sáng nghệ thuật kiến trúc cao tầng trong các đô thị ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc cao tầng vẫn chưa được thực sự quan tâm, hầu như chỉ tập trung chiếu sáng bảo vệ và quảng cáo, do vậy không tạo được hiệu quả thị giác. Hệ thống chiếu sáng tại một số khu đô thị mới còn thiếu và bố trí thưa thớt; hình thức, kiểu dáng của trang thiết bị công nghệ chiếu sáng còn chưa đạt giá trị thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp, cũng chưa được đầu tư đúng mức, vì thế nghệ thuật chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc công trình cao tầng chưa thực sự phát triển, không theo kịp nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Mặc dù đã được quy định rõ trong quyết định số 13/2011/QĐ-UB (chương 2 điều 7 – “Phải chiếu sáng chung đồng đều trên bề mặt công trình, kết hợp với chiếu sáng không gian xung quanh như không gian cây, chiếu sáng trang trí mặt bằng khu vực công trình để tăng hiệu quả thẩm mỹ cho công trình kiến trúc…) Nhưng gần như các chủ đầu tư không đáp ứng hoặc “quên đi” điều này, họ thường sử dụng đèn chiếu sáng cho giao thông và không gian đường xung quanh để tận dụng luôn cho chiếu sáng mặt ngoài công trình.
Chiếu sáng mặt ngoài các công trình kiến trúc được xem là việc khai thác hiệu quả của ánh sáng nhân tạo để khắc hoạ, làm nổi bật các đặc điểm kiến trúc của công trình, nhằm tạo ra diện mạo hấp dẫn, sống động, rực rỡ hơn cho công trình về ban đêm.Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều công trình cao tầng kết hợp với phần thương mại đang là “nạn nhân” do sử dụng chiếu sáng không phù hợp, chủ đầu tư chỉ lưu tâm đến việc làm cho khách chú ý đến phần dịch vụ mà quên đi kiến trúc tổng thể của công trình.
Chiếu sáng mặt ngoài một số khu nhà ở cao tầng trong các khu đô thị mới |
Đã đến lúc ta phải có những nghiên cứu cụ thể về chiếu sáng kiến trúc mặt ngoài công trình, coi đấy như là một công việc quan trọng trong thiết kế kiến trúc nhà cao tầng trong các đô thị. Có như vậy thì chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc công trình mới không làm ô nhiễm môi trường thị giác, gây lãng phí kinh tế, góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ đô thị, nâng cao văn hóa cho nhân dân, hấp dẫn du khách, phát triển thương mại và du lịch.
Vai trò của chiếu sáng kiến trúc mặt ngoài nhà cao tầng trong đô thị
Theo PGS.TS.KTS Sergio Altomonte, Khoa Kiến trúc và Môi trường Xây dựng của Đại học Nottingham, ánh sáng đóng một vai trò quan trọng trong cách mọi người trải nghiệm và hiểu về kiến trúc. Ánh sáng có thể mang lại giá trị cảm xúc cho kiến trúc – nó giúp tạo ra trải nghiệm không gian cho con người, thu hút sự chú ý đến cấu trúc, màu sắc và hình thức của một không gian, giúp kiến trúc đạt được mục đích thực sự của nó. Tầm nhìn là ý nghĩa quan trọng nhất, qua đó chúng ta thưởng thức kiến trúc, ánh sáng giúp chúng ta nhận thức kiến trúc một cách rõ nét hơn.
Chiếu sáng thể hiện rõ cấu trúc công trình tại tòa nhà Bank of China Tower, Hong Kong |
Trong tổng thể kiến trúc, ánh sáng được coi là một “vật liệu” quan trọng. Ánh sáng đóng vai trò trung gian, tạo sự hoà hợp giữa công trình kiến trúc với môi trường xung quanh. Vào ban đêm, khi mặt trời lặn, kiến trúc công trình bị bóng tối nhấn chìm thì chiếu sáng mặt ngoài công trình lại đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện hình khối kiến trúc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công trình cao tầng – nhất là các công trình có vai trò là điểm mốc (landmark), có ý nghĩa định hướng trong không gian đô thị.
Trong bài giảng có tựa đề “Ánh sáng là một phần không thể thiếu của kiến trúc”, Kelly (1952) đã đi sâu vào ba loại ánh sáng nguyên tố của họ mà vẫn đóng vai trò là cốt lõi của thiết kế chiếu sáng. Thứ nhất, Ánh sáng tiêu cự – Ngày nay, loại ánh sáng này được gọi là ánh sáng nhiệm vụ. Nó chỉ ra các yếu tố quan trọng và thu hút sự chú ý đến các khu vực, đồng thời làm cho nó dễ nhìn hơn – “Ánh sáng tiêu cự tạo ra một trung tâm sáng hơn, cho chúng ta biết những gì cần xem xét, tổ chức, đánh dấu yếu tố quan trọng”. Thứ hai, Ánh sáng phát quang xung quanh – Đây còn được gọi là ánh sáng chung hoặc môi trường xung quanh. Đó là ánh sáng nền chiếu sáng và toàn bộ không gian. Nó nên đồng đều và không tạo bóng để khiến mọi người trong không gian cảm thấy an toàn – “Ánh sáng phát quang xung quanh nên giảm thiểu hình thức và có số lượng lớn. Nó sẽ làm mọi vật giảm thiểu tầm quan trọng, tạo ra cảm nhận về sự tự do và không giới hạn của không gian”. Và cuối cùng là Ánh sáng rực rỡ – Còn được gọi là ánh sáng tạo điểm nhấn, loại ánh sáng này với sự thay đổi và đầy màu sắc, nó kích thích con người và cảm xúc –
“Ánh sáng rực rỡ kích thích các dây thần kinh thị giác, đánh thức sự tò mò và tạo sự lôi kéo, cuốn hút người xem”.
Các giải pháp chiếu sáng còn góp phần truyền tải thông tin, cung cấp phạm vi không giới hạn, truyền tải các thông tin về thương hiệu, giá trị và thông điệp. Các thiết kế chiếu sáng như thế ngày càng nhiều và góp phần tạo nên không gian sôi động, náo nhiệt của một đô thị sống động.
Sự phát triển mang tính cách mạng của đèn LED đã mở ra những cách tiếp cận thiết kế mới cho chiếu sáng công trình. Khả năng kiểm soát độ sáng và màu sắc ánh sáng của các nguồn sáng LED, cùng với các đặc tính quang học đa dạng của chúng, đang làm cho các giải pháp chiếu sáng trở nên khả thi.
Quan điểm và nguyên tắc chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc cao tầng trong đô thị ở Việt Nam
1. Quan điểm:
- Chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng trong đô thị có vai trò quan trọng, là một phần không thể thiếu trong kiến trúc. Ánh sáng kiến trúc cũng quan trọng như chính kiến trúc. Sử dụng các vật liệu, màu sắc và kết cấu khác nhau với các loại ánh sáng khác nhau có thể ảnh hưởng đến cách mọi người cảm nhận và cách họ trải nghiệm một không gian.
- Chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng phải phù hợp với không gian cảnh quan xung quanh. Môi trường của chúng ta được định hình bởi các tòa nhà. Nó được định hình bằng các hình khối kiến trúc và bối cảnh khu vực. Do vậy, các giải pháp chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng không chỉ là chiếu sáng đơn thuần cho công trình mà còn cần quan tâm cảnh quan xung quanh, hài hòa về màu sắc, tương phản về độ sáng, bố cục, hình khối, qua đó sẽ khắc họa rõ nét đặc trưng của công trình kiến trúc cao tầng trong cảnh quan chung của khu vực.
- Chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng còn có vai trò giao tiếp truyền tải thông tin và kết nối cộng đồng. Chúng cung cấp phạm vi không giới hạn về thông tin để trình bày các thương hiệu, giá trị và thông điệp: nội dung phương tiện như văn bản, hình ảnh và hoạt hình được chiếu lên các pixel LED. Mặt tiền của các công trình cao tầng trở thành phương tiện truyền thông sáng tạo, được sử dụng như một yếu tố phản ánh bản sắc, tham chiếu một địa điểm và những người sống ở đó. Nhiệm vụ của nhà thiết kế ánh sáng là tích hợp nghiêm túc mối quan hệ tương tác nhạy cảm này vào một khái niệm chiếu sáng.
2. Một số nguyên tắc tổ chức chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng trong đô thị
- Chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng phải đảm bảo yêu cầu cho các hoạt động chức năng của công trình, cụm công trình. Chiếu sáng phải đảm bảo phục vụ mục đích quan trọng nhất của nó – để giúp chúng ta nhìn thấy. Các khu vực nên được chiếu sáng để người dân cảm thấy an toàn khi tiếp cận và sử dụng toàn bộ tòa nhà. Họ có thể nhìn thấy công trình và cảnh quan xung quanh, điều này sẽ tạo ra cảm giác yên tâm. Tổ chức chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc công trình cao tầng không nên làm thay đổi đặc tính của công trình. Các yếu tố mặt tiền riêng biệt và các cấu trúc tự nhiên của mặt tiền cần được nhấn mạnh. Sử dụng đèn chiếu sáng, hướng ánh sáng và màu sắc ánh sáng cần thể hiện được cấu trúc một tòa nhà hoặc đường phố và làm cho các mối quan hệ chức năng trở nên rõ ràng. Các tòa nhà có chức năng đặc biệt như nhà hàng hoặc điểm gặp gỡ đòi hỏi một giải pháp chiếu sáng đặc biệt. Các khu vực bên ngoài công trình cần được chiếu sáng để người sử dụng có thể tiếp cận một phần hay toàn bộ công trình. Họ cần được nhìn thấy công trình và không gian xung quanh, điều này sẽ tạo ra cảm giác an toàn cho người sử dụng.
- Chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng trong đô thị phải đảm bảo tính thẩm mỹ, đó là sự cân bằng của ánh sáng và kiến trúc, nơi các nhà thiết kế và KTS tập trung vào tác động cảm xúc. Kiến trúc mặt ngoài công trình cần được đặt ở trung tâm bằng cách chiếu sáng có chọn lọc các chi tiết, hình dạng và cấu trúc riêng lẻ hoặc bằng cách khai thác đồng đều, chiếu sáng diện rộng. Các giải pháp chiếu sáng kiến trúc cần chú trọng vào chiều cao, vật liệu hiện đại và hiệu ứng ánh sáng. Các bề mặt được chiếu sáng bằng các vệt thẳng đứng sẽ tạo được đặc trưng của kiến trúc công trình cao tầng và hỗ trợ định hướng trong không gian tốt hơn.
Các giải pháp chiếu sáng cũng có khả năng tạo ra mối liên kết cảm xúc giữa kiến trúc và người xem. Ánh sáng cảm xúc liên quan đến việc sử dụng ánh sáng để định hình công trình. Các yếu tố ánh sáng sáng tạo giúp người xem chiêm ngưỡng kiến trúc công trình và mang tới một khung cảnh đa dạng, thú vị và nhiều cảm xúc.
- Chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng không được ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt của dân cư khu vực. Các tòa nhà và không gian đô thị được thiết kế để phục vụ đời sống và hoạt động của dân cư xung quanh. Ánh sáng kiến trúc mặt ngoài cũng là một là tác nhân tác động đến sức khỏe thể chất, sinh lý và tâm lý đến người dân. Vì vậy tổ chức chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc công trình không được tạo nên ô nhiễm nguồn sáng, ảnh hưởng tới đời sống của dân cư.
- Chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng trong đô thị phải đáp ứng yêu cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đảm bảo phần lớn ánh sáng đạt đến mục tiêu của nó và có ít ánh sáng lãng phí hơn. Giảm lượng ánh sáng lãng phí sẽ giúp tòa nhà hoạt động hiệu quả hơn. Một cách dễ dàng để thực hiện tiết kiệm năng lượng là sử dụng đèn LED thay vì ánh sáng huỳnh quang. Do công nghệ và tính chất định hướng của đèn LED, có ít ánh sáng lãng phí với đèn LED hơn đèn huỳnh quang.
Kết luận
Tổ chức chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng trong đô thị sẽ thực sự tạo hiệu quả thú vị bất ngờ khi chiếu sáng tập trung làm nổi bật con người, kiến trúc và môi trường xung quanh. Để làm được điều này, chiếu sáng phải dựa theo quy mô, tính chất và đặc điểm kiến trúc của tòa nhà. Ở đây, chiếu sáng không đơn thuần là lắp đặt đèn mà còn thỏa mãn các yêu cầu như: Nổi bật hướng nhìn chính của tòa nhà, làm rõ giới hạn của công trình, khắc họa các chi tiết đặc thù như cổng, vòm, mái, tường, cột, phù điêu…; đồng thời, tạo ra sự tương phản sáng tối, màu sắc, chiều sâu. Hệ thống chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng là chiếu sáng đi vào chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững. Để mang lại hiệu quả chiếu sáng nghệ thuật cần phải phân cấp kịch bản cho công trình với các cấp độ chiếu sáng khác nhau, chia vào những thời điểm khác nhau trong tuần, trong năm để giảm bớt sự đơn điệu và không gây lãng phí năng lượng.
Để chiếu sáng mặt ngoài kiến trúc nhà cao tầng thật sự có tính nghệ thuật và hiệu quả cần có những văn bản pháp luật cho các nhà thiết kế chiếu sáng, chủ đầu tư và nhà quản lý. Cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia và phát triển sản xuất, cung cấp các thiết bị chiếu sáng thông minh hiện đại với giá thành phù hợp. Các cơ quan chính quyền cần đi đầu trong ứng dụng chiếu sáng thông minh. Các KTS cần nâng cao hơn nữa chất lượng thiết kế từ kiến trúc công trình đến kiến trúc cảnh quan để phát huy tốt nhất hiệu quả chiếu sáng, nâng cao giá trị thẩm mỹ của kiến trúc công trình cao tầng trong không gian đô thị.
Chủ nhân giải Pritzker 2008 – KTS người Pháp Jean Nouvel, tác giả của hơn 200 công trình lớn, được giới chuyên môn đánh giá là tay phù thuỷ trong sử dụng ánh sáng đã nói rất đơn giản mà trực tiếp, rằng: Với ông, ánh sáng là một thứ vật liệu. |
*ThS.KTS.Nguyễn Thu Hà
Bộ môn Cấu tạo và Trang thiết bị công trình – Khoa Kiến Trúc
Theo Tạp chí Kiến trúc
0 nhận xét