Ngày 7/10, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Sở GTVT, Công an TP Hà Nội và UBND một số quận huyện về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt, bàn giao để phối hợp quản lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn.
Trước đó, ngày 3/10, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
UBND TP giao UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 12/10.
Không thể hài hòa để đánh đổi tính mạng
Đầu tháng 9 đến nay, người dân và du khách (đặc biệt là du khách nước ngoài) tụ tập đông tại khu vực đường sắt qua các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Nhiều hộ dân cũng đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt gây nên nguy cơ mất an toàn, tiềm ẩn tai nạn cao.
Được biết, quận Hoàn Kiếm đã nhiều lần vào cuộc xử lý với những quán cà phê xâm phạm hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn. Trong đó đã áp dụng cả biện pháp vận động, tuyên truyền thuyết phục lẫn xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt còn nhẹ nên cũng chưa có tính răn đe.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, hiện các mức xử phạt tương đối nhẹ. Hơn nữa khó xử lý nếu các hộ kinh doanh chỉ kê bàn ghế bày bán trong nhà, không xâm phạm vào hành lang an toàn đường sắt.
Trao đổi với báo Pháp luật TP. HCM, ông Dương Quốc Tuấn, phụ trách công tác đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý khu vực “cà phê đường tàu” cho biết, từ cuối năm 2017, ở phường Cửa Đông, Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) bắt đầu xuất hiện “cà phê đường tàu”. Tiếp đó, xuất hiện ở phường Khâm Thiên, Văn Miếu (quận Đống Đa)…
Từ giữa năm 2018, các công ty du lịch bắt đầu dẫn du khách nước ngoài đến trải nghiệm cảnh mạo hiểm với tiêu chí “chưa đến phố đường tàu là chưa ghé Hà Nội”.
Thấy du khách tới đông, nhiều người dân cạnh khu vực đường tàu đã mở quán cà phê bất chấp cảnh báo nguy hiểm. Đặc biệt, gần đây từ 14 giờ đến 23 giờ 30 hằng ngày, sinh viên, khách du lịch rất đông, họ ngồi sát và thậm chí ra giữa đường ray uống cà phê. Khi tàu đến, họ đứng sát để quay phim, chụp ảnh.
Về việc giải tán cà phê đường tàu, ông Tuấn thừa nhận là khó nhưng phải cấm. Theo quy định chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt là 8,6 m tính từ mép đường ray ngoài cùng. Tuy nhiên, khu vực “cà phê đường tàu” do tính lịch sử nên hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng 1,8-2,3 m. Khi tàu chạy qua khoảng không còn lại rất ít, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông, nguy cơ tai nạn rất cao.
Vừa qua, nữ du khách Canada bị nạn vì lúc tàu đến trên vai đeo balo chưa kịp tháo ra để nép vào tường. Việc giải tán các quán cà phê này là để bảo vệ an toàn cho người dân và du khách. Tôi nhận thấy không thể hài hòa để đánh đổi tính mạng như vậy được.
Văn hóa cũng cần chọn lọc
Cũng đồng quan điểm trên, trao đổi với Zing, KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng giữ lại cà phê đường tàu ở Hà Nội để bảo tồn nét độc đáo là không hợp lý.
"Theo các quy định về đường sắt, khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3 m. Đây đã là thể chế Nhà nước thì bắt buộc phải theo, phải thực hiện. Đây là pháp luật, an toàn tính mạng của người dân chứ không còn là chuyện văn hóa nữa", KTS Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.
Theo ông Nghiêm, dù là nét văn hóa nhưng cũng cần chọn lọc, không thể nói bảo tồn, gìn giữ để bào chữa.
"Giống như việc bán hàng rong trước kia, dù có nhiều ý kiến cho rằng đây là nét văn hóa, cần được bảo tồn; tuy nhiên, nét văn hóa này không còn thể hiện sự văn minh, phù hợp với phát triển xã hội. Hà Nội thể hiện sự quyết tâm là cũng dẹp bỏ được ngay. Quan trọng nhất là sự quyết tâm của chính quyền", vị chuyên gia phân tích.
Ông cũng cho rằng, việc giải tán các tụ điểm này sẽ gặp khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau.
"Hầu hết đường sắt khu vực nội đô là từ thời xưa, mặc dù quy định hành lang tối thiểu 3 m, nhưng nhiều nơi chỉ có 2,5 m hoặc thậm chí hẹp hơn. Nếu muốn dẹp bỏ, thành phố sẽ cần giải tỏa cả một bộ phận dân cư sống sát đường tàu", ông Nghiêm đánh giá.
Ông cho rằng Hà Nội phải có sự thống nhất về giải pháp, đảm bảo hành lang an toàn cho các đoạn đường sắt chạy qua khu vực dân cư, đặc biệt các nơi bị xâm phạm bởi hoạt động kinh doanh, bán hàng.
Nhật Hạ (t/h)
0 nhận xét