Từ năm 2016, tỉnh Bình Thuận đã đặt ra mục tiêu đến 1/7/2019 là hạn cuối thực hiện việc di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay đã sang tháng 10 năm 2019, tức là quá hạn 3 tháng mà vẫn chưa di dời được cơ sở nào. Thực tế cho thấy, vướng mắc này từ cả phía chính quyền lẫn người dân.
Anh Ưa lo lắng vì cơ sở mới hoạt định ổn định thì nay lại chuẩn bị di dời. |
Cũng theo thông báo này, hạn cuối là đến hết ngày 20/11/2019, các cơ sở nằm trong danh sách phải di dời địa điểm hoạt động.
Tuy nhiên, anh Ưa phân vân: “Tôi thấy có điểm bất cập là thời gian không phải một sớm một chiều mà phải cho thời gian có lộ trình nhất định, chẳng hạn như 5 tháng hoặc một năm để tìm vị trí đất, mặt bằng xây dựng nhà xưởng. Thứ hai là hiện giờ chỗ làm của chúng tôi đang ổn định về doanh thu, khách hàng, giờ phải bỏ ra một số tiền lớn”.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tháng 10/2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khoá XIII) ban hành Nghị quyết số 08 năm 2016 về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Cơ sở hành nghề hàn-xì tại phường Hưng Long (TP.Phan Thiết) thuộc diện phải di dời. |
Theo đó, hạn chót là đến ngày 01/7/2019 các địa phương phải di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm đang hoạt động trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp. Tiếp đó, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1609/QĐ-UBND ngày 15/6/2017 về việc phê duyệt quy hoạch các điểm công nghiệp, dịch vụ tập trung để bố trí di dời các cơ sở sản xuất, dịch vụ nằm trong các khu dân cư đô thị tại TP Phan Thiết và Thị xã Lagi.
Tuy nhiên đến nay đã quá thời hạn chót mà Tỉnh uỷ Bình Thuận đặt ra là đến ngày 1/7/2019 phải thực hiện xong nhưng các địa phương trong tỉnh vẫn đang loay hoay trong quá trình di dời. Tại Phan Thiết, thống kê đến hết tháng 9/2019, có 196 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ thuộc diện phải di dời.
Đến nay mới chỉ có 4 cơ sở đăng ký thuê đất tại Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 để thực hiện di dời; 4 cơ sở ngừng hoạt động, 1 cơ sở chuyển đổi chức năng. Còn lại vẫn đang hoạt động bình thường. Tại Thị xã Lagi, thống kê sơ bộ có 190 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sơ chế thủy sản, gia công cơ khí, hàn xì, mộc…) ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng đến nay, Lagi vẫn chưa có cơ sở nào di dời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ gây ô nhiễm tại Bình Thuận chậm trễ là do vướng mắc, khó khăn đến từ chính quyền lẫn chủ cơ sở.
Các cơ sở đa phần chưa sẵn sàng di dời, vẫn còn tâm lý “nhìn nhau để làm”. Qua tiếp xúc với các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ trong khu dân cư thì các cơ sở cho rằng, việc chính quyền địa phương triển khai chủ trương di dời có phần gấp gáp nên cơ sở sẽ dễ bị lúng túng để chuẩn bị nguồn vốn cũng như cơ sở hạ tầng.
Mặt bằng tại Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 đã sẵn sàng đón nhận các cơ sở về hoạt động. |
Hầu hết các cơ sở đều mới nhận thông báo di dời từ nửa đầu năm nay. Một khó khăn khác đó là hầu hết các cơ sở trong diện di dời thì đang hoạt động quy mô hộ gia đình và gia công gò, rèn, hàn xì... những vật dụng gia đình. Vì vậy, nếu di dời hoạt động vào các khu, cụm công nghiệp, các chủ cơ sở này lo sẽ mất khách hàng.
Ông Vũ Đình Tuấn - chủ cơ sở in ấn quảng cáo tại TP Phan Thiết ý kiến: “Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương chung giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo yên lành cho khu dân cư. Nhưng về cách thực hiện thì cần chọn lọc những doanh nghiệp nào sản xuất ô nhiễm thực sự thì di dời, còn những doanh nghiệp nào mà ít ô nhiễm, không ảnh hưởng môi trường thì có thể chọn lọc, để lại”.
Về phía chính quyền, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là tỉnh Bình Thuận chưa ban hành tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Việc lập danh sách các cơ sở di dời trước mắt mới chỉ dựa vào khảo sát sơ bộ của Phòng Tài nguyên - Môi trường và đề xuất của UBND các phường, xã. Chính vì vậy các địa phương vẫn đang kiến nghị tỉnh Bình Thuận sớm ban hành tiêu chí này để làm căn cứ di dời.
Ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết cho biết: “Để thuận lợi cho công tác di dời thì TP Phan Thiết có đề nghị các đơn vị của Tỉnh sớm quan tâm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ di dời để các cơ sở an tâm di dời. Thứ hai nữa là ban hành tiêu chí xác định mức độ ô nhiễm để tạo đồng thuận cao và để bà con chấp hành di dời tốt hơn”.
Rõ ràng, việc triển khai di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tại Bình Thuận đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vướng nhất là chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định cơ sở nào gây ô nhiễm môi trường và buộc phải di dời. Cho nên, trước mắt, tỉnh Bình Thuận cần ban hành tiêu chí này để làm căn cứ cho các địa phương trong tỉnh áp dụng thống nhất, trước khi áp dụng đến các giải pháp hỗ trợ khác./.
Theo VOV.vn
0 nhận xét