Open top menu
Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Trong 2 năm 2018 và 2019, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra đấu giá rất nhiều khu đất công với giá trị cao. Không chỉ là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, kinh tế phát triển năng động, Đồng Nai còn có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành.

Do đó, các cuộc đấu giá đất công luôn thu hút được sự tham gia lớn của các doanh nghiệp đến tìm hiểu và đăng ký tham gia. Hơn thế nữa, các khu đất công được đưa ra đấu giá đều được đánh giá là những mảnh đất "vàng" và đã được hoàn thiện các quy hoạch quan trọng như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông… nên những doanh nghiệp trúng đấu giá đất công rất thuận lợi trong việc triển khai dự án.

Chính vì thế, hoạt động đấu giá đất công tại tỉnh Đồng Nai trong thời gian gần đây vô cùng sôi động và các mảnh đất được đem ra đấu giá đều được đẩy lên những mức giá cao ngất ngưởng, thường mức giá cuối cùng sẽ cao gấp đôi giá khởi điểm đưa ra.

Những thửa đất "nghìn tỷ"

Theo TTXVN, trong năm 2019 Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu giá 39 thửa đất “vàng” tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn với diện tích khoảng 300 ha. Dự kiến, số tiền thu về từ đấu giá những khu đất này hàng nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với báo Đồng Nai, ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai (đơn vị giao chủ trì đấu giá các khu đất công) cho biết: “Đất đai ở Đồng Nai đang có giá nên những khu đất công đưa ra đấu giá được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã bán được nhiều khu có giá trị lớn, thu về từ hơn 100 tỷ đồng đến trên 3 ngàn tỷ đồng/khu”. Đã có khoảng 10 khu đất công có diện tích lớn bán được giá cao.

Trong đó, có những khu đất được chốt giá với mức cao kỷ lục, đó là: khu đất trước đây là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ ở TP Biên Hòa rộng 1,3 hécta được đấu giá và thu về hơn 193 tỷ đồng; khu đất rộng hơn 60 ha tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, được đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 584 tỷ đồng và chốt giá trúng đấu giá 901 tỷ đồng; khu đất 49,8 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành được đấu giá thành công với giá trúng đấu giá là 1.268 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi mức giá khởi điểm 612 tỷ đồng; cuối cùng là khu đất 92,2 ha xã Long Đức, huyện Long Thành, giá khởi điểm gần 1.650 tỷ đồng và đã mang về cho tỉnh Đồng Nai hơn 3.060 tỷ đồng tiền đấu giá.

Ảnh: Khu đất Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ (TP.Biên Hòa) mới đưa ra đấu giá. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Theo ông Nguyễn Đồng Thanh, Đồng Nai sẽ tiếp tục đấu giá thêm một số khu đất “vàng” để lấy tiền đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Gần đây nhất, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai đã lựa chọn xong đơn vị tổ chức đấu giá để tiến hành đấu giá thửa đất số 145, tờ bản đồ số 31 huyện Trảng Bom, có diện tích hơn 3.000 m2.

Mặc dù có diện tích không lớn, nhưng thửa đất này nằm ở vị trí đắc địa nên giá khởi điểm lên tới gần 59 tỷ đồng (tính ra gần 20 triệu đồng/m2). Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 24/10/2019 với hình thức bỏ phiếu kín.

Dấu hỏi về năng lực thực sự của các doanh nghiệp mua được đất "vàng"

Theo Báo Đầu tư, tại hai cuộc đấu giá đất lớn nhất mà tỉnh Đồng Nai vừa thực hiện, xét khía cạnh thu ngân sách được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về năng lực thực sự của các doanh nghiệp trúng đấu giá.

Liên quan đến cuộc đấu giá khu đất 49,8 ha (xã Bình Sơn, huyện Long Thành). Ngoài điều kiện chung, còn có quy định cụ thể về người tham gia đấu giá.

Theo đó, điều kiện về năng lực tài chính doanh nghiệp tham gia đấu giá phải chứng minh vốn, kỹ thuật để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi lại vừa bị Cục Thuế tỉnh Bình Dương (địa phương mà doanh nghiệp đóng trụ sở) thông báo nợ hơn 50 tỷ đồng tiền thuế.

Còn về cuộc đấu giá khu đất 92,2 ha (xã Long Đức, huyện Long Thành). Ngoài quy định điều kiện năng lực tài chính doanh nghiệp tham gia phải có vốn thuộc sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án (khoảng 876,4 tỷ đồng), hồ sơ đấu giá còn quy định doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có ngành nghề kinh doanh bất động sản và kinh nghiệm làm dự án quy mô tương ứng.

Trong khi đó, doanh nghiệp trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An là doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 23/2/2018. Điều này rất khó lý giải khi mà các doanh nghiệp lớn khác cùng tham gia trúng thầu có tên tuổi đình đám và năng lực vượt trội hơn hẳn.

Siết chặt quản lý "hậu" đấu giá

Trước những nghi ngại của dư luận, báo Đầu tư dẫn lời khẳng định của ông Nguyễn Đồng Thanh, các cuộc đấu giá đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch. Từng khâu thẩm định, xây dựng phương án đấu giá đến các bước đăng tải thông tin, phát hành hồ sơ, tiến hành đấu giá tuân thủ các quy định của pháp luật. Đơn vị tổ chức đấu giá thực thi nghiêm chỉnh các phương án được UBND tỉnh phê duyệt.

Còn theo thông tin trên báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng phân tích, khi các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia đấu giá những khu đất công lớn, tỉnh đã cho rà soát kỹ và doanh nghiệp phải đảm bảo tiềm lực về tài chính, năng lực đầu tư… thì tỉnh mới chấp nhận cho tham gia đấu giá.

Do các mảnh đất đều đã có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết nên doanh nghiệp trúng đấu giá sau khi hoàn thành thủ tục nộp tiền mua đất thì có thể thực hiện dự án ngay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp nhận đất nếu sau 2 năm không triển khai dự án, có thể cho gia hạn thêm 2 năm nữa và nếu không hoàn thành dự án như cam kết sẽ bị thu hồi lại đất. Trong suốt quá trình trên, tỉnh sẽ giám sát, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện dự án trên khu đất công theo đúng quy hoạch và lộ trình”.Q.T (t/h)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét