Hà Nội đang trong chuỗi ngày dài có mức độ ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Từ giữa tháng 9, Hà Nội liên tục lọt vào top các thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của tổ chức AirVisual. Với chỉ số AQI luôn dao động ở mức 180-250, bầu không khí hiện tại ở Thủ đô đang được đánh giá là không an toàn và cực kỳ không an toàn.
Để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn tới không khí của Hà Nội luôn ô nhiễm trong mức báo động cũng như tình trạng ô nhiễm đó có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của con người và đâu là giải pháp tối ưu nhất để hạn chế tình trạng ô nhiếm đó. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng- Nguyên PGĐ Học viện Quân Y để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Nguyên nhân khiến chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao
Theo nhận định của GS.TS. Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng: “ Hiện nay ô nhiễm tại Hà Nội đang ở mức báo động, thậm chí ngang với Thủ đô Bang Kok của Thái Lan hoặc Thủ đô Jakarta của Indonexia và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Đó là các nước đang phát triển, với tốc độ gia tăng nhanh chóng của các ngành công nghiệp. Đặc biệt là các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hoặc sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch như ô tô, xe máy và sử dụng những công nghệ không phải công nghệ sạch. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí”
Với tốc độ phát triển nhanh chóng như Thủ đô Hà Nội, việc quy hoạch Thành phố cũng còn rất nhiều bất cập, hệ thống giao thông công cộng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính vì lẽ đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng lên đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và đã thải ra một lượng khí thải lớn. Cùng với đó là thời tiết tại Hà Nội thay đổi, ảnh hưởng xấu tới chất lượng không khí đặc biệt là trong khoảng từ giữa tháng 9 tới đầu tháng 10 vừa qua.
Hà Nội trong những ngày chất lượng không khí bị ô nhiễm.( Nguồn ảnh: Internet) |
Ngoài những nguyên nhân chủ yếu khiến chất lượng không khí ô nhiễm, GS.TS. Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng cũng cho biết thêm:
“ Ngoài nguyên nhân gây ra ô nhiễm từ sự phát thải của các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì cũng phải kể đến các công trình xây dựng; khói do đốt rơm rạ ở những cánh đồng ngoại thành sau khi thu hoạch, những khí độc hại bốc lên từ những con sông ô nhiễm, việc quản lý xử lý chất thải sinh hoạt không được tốt cũng gây ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng không khí”.
Bụi PM2.5 và ảnh hưởng của không khí ô nhiễm tới sức khỏe con người
Giải thích về bụi PM2.5 và những nguy hiểm của loại bụi này tới sức khỏe của con người, GS.TS. Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng cho biết:
“Bụi PM2.5 có kích thước rất nhỏ, loại bụi này có thể xâm nhập rất sâu vào đường hô hấp dưới, những hạt bụi có kích thước từ 3-5 µm (micrômét) trở xuống có thể xâm nhập tới tận phế nang, vượt qua hết tất cả các hàng rào bảo vệ từ mũi, đến đường hô hấp trên, đến các đường chí đạo lớn, cho đến tận phế nang. Phế nang chính là nơi xa nhất của đường hô hấp dưới. Trong quá trình xâm nhập vào đường thở như thế thì bụi có thể bám vào thành của đường thở, niêm mạc của đường hô hấp, từ đó nó được hấp thu trực tiếp và xâm nhập vào trong máu. Theo nghiên cứu bụi PM2.5 là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, rất nguy hiểm”.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang trong mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân ( Nguồn ảnh Internet). |
Được biết trong khí phát thải từ các phương tiện giao thông còn chứa những chất rất nguy hại đến sức khỏe con người, ví dụ như các khí có liên quan đến gốc Sunfua, khí CO hoặc CO2, một số các chất thải độc hại khác, trong đó có các chất gây ung thư cho cơ thể người.
“Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang trong mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nó thể hiện ở chỗ là tỷ lệ khám bệnh, đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến môi trường không khí, như bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới, ở người lớn tuổi và đặc biệt là ở trẻ em thì gia tăng đột biến ở nhiều bệnh viện, ví dụ như Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện đa khoa của Hà Nội. Điều đó nói lên là tình trạng ô nhiễm của Hà Nội hiện nay rất đáng báo động, lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.”- GS.TS.Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng chia sẻ thêm
Những giải pháp cấp thiết để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí
Khi nói về ô nhiễm tại Hà Nội, có rất nhiều kiểu ô nhiễm khác nhau như: ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường đất…. Đặc biệt trong thời gian gần đây là ô nhiễm không khí. Giải pháp triệt để nhất để hạn chế tình trạng ô nhiễm này là phải giải quyết tận gốc nguồn phát ra những khí độc hại. Nhưng đó là công việc rất phức tạp và lâu dài, nó liên quan đến quy hoạch thành phố, các nhà máy, các khu công nghiệp, hệ thống đường giao thông, các phương tiện giao thông công cộng của Thành phố.
Vì vậy, những biện pháp mang tính phòng vệ đối với cá nhân đang là việc làm cấp thiết mà mỗi một người dân nên biết để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như những người thân trong gia đình, trong lúc chờ đợi những hiệu quả tác động của những biện pháp căn cơ lâu dài, với sự can thiệp của Chính phủ cũng như chính quyền Thành phố.
GS,TS. Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng đã đưa ra một số lời khuyên cơ bản để giúp người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình cũng như những người thân xung quanh.
Thứ nhất, nên hạn chế ra đường nếu như không có công việc, bởi khi ra ngoài đường là ta đang phơi nhiễm với các yếu tố độc hại ở trong không khí. Trong thời gian gần đây, hoạt động mặt trời cũng tăng lên rất nhiều, bức xạ mặt trời cũng rất mạnh. Điều đó cũng gây nguy hại đến sức khỏe của con người, đặc biệt là trong khoảng giờ từ 10h cho đến 16h. Thời điểm này cũng là thời điểm không ô nhiễm rất lớn, đó là lúc phương tiện tham gia giao thông rất nhiều.
Thứ hai, ở trong gia đình nên có các trang thiết bị cần thiết, như máy hút bụi, máy lọc không khí, phải thường xuyên lau nhà, chỉ nên mở cửa sổ và cửa nhà vào sáng sớm từ khoảng 5h đến 8h, để hạn chế bức xạ mặt trời và bụi từ môi trường ngoài xâm nhập vào trong nhà, đồng thời giảm bớt sự chênh lệch nhiệt độ, giữ nhiệt độ và độ ẩm ở trong nhà tốt hơn và phù hợp với sức khỏe của mình hơn.
Thứ ba, trong các căn hộ căn nhà khép kín nên sử dụng các loại bếp không phát thải ra khí độc hại, ví dụ: bếp từ, bếp điện… để không phát thải ra những khí độc hại, không có lợi cho sức khỏe.
Thứ tư, cần quan tâm đến sức khỏe của người cao tuổi, người có bệnh mãn tính và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi. Bởi sức đề kháng của đối tượng này không được tốt. Đối với trẻ nhỏ cơ quan hô hấp chưa phát triển một cách toàn diện, cho nên khi có những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài sẽ gây ra sự viêm nhiễm, tạo điều kiện cho nhiễm trùng phát triển, khi tác động lâu dài thì sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Thứ năm, khi buộc phải đi ra ngoài đường, trừ những người có ô tô, những người phải đi lại bằng xe máy hoặc các phương tiện tham gia giao thông khác nên mua khẩu trang có khả năng ngăn chặn được các loại bụi có kích thước rất nhỏ. Khi sử dụng khẩu trang cần sử dụng đúng quy cách để đảm bảo không khí hít thở được sạch nhất.
Cuối cùng, vào những thời gian nghỉ ngơi cuối tuần hoặc ngoài giờ, mọi người nên dành thời gian tập thể dục, rèn luyện cơ thể, và chọn những nơi không khí trong lành, nhiều cây cối, nhiều cây xanh có bóng mát nhiều để tập thể dục, như thế sẽ tăng được sức đề kháng, chống lại những bất lợi cho sức khỏe của bản thân.
0 nhận xét