Quảng Nam: Kiểm tra tình hình bảo vệ môi trường tại các điểm tiêu huỷ lợn dịch tả châu Phi
Ngày 12/7, đoàn công tác của Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên đã phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Nam, Phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế, đánh giá tình hình bảo vệ môi trường (BVMT) tại các điểm tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn huyện Thăng Bình.
Kiểm tra thực tế, đánh giá công tác BVMT tại các điểm tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Thăng Bình, Quảng Nam
Tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam, nơi có số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy nhiều nhất tỉnh, đoàn công tác đã đến kiểm tra ở 3 điểm chôn lấp lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại thôn Phước Ấm (xã Bình Triều), thôn Hương Vỹ (xã Bình Triều) và thôn Xuân Thái (xã Bình Định Bắc). Hầu hết các điểm chôn lấp đều nằm xa khu dân cư từ 300 - 500m, được cắm biển cảnh báo và cấm các hoạt động dân sinh, sản xuất tại khu vực hố chôn lấp đảm bảo theo quy định. Phương thức chôn lấp chủ yếu là đào hố sâu 4m, lót đáy bằng bạt, cho bao chứa xác lợn xuống hố, sau đó rải một lớp vôi bột theo tỷ lệ 01kg vôi/m2, phun sát trùng, sau đó rắc vôi bột trên bề mặt, lấp đất và nện chặt để hoàn thành quá trình tiêu hủy. Ngoài ra, tại xã Bình Triều có một điểm tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả Châu Phi bằng biện pháp chôn lấp sau khi đốt, tuy nhiên chưa lót bạt.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, đến ngày 11/7, đã có 2.644 hộ tại 19/22 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với 9.344 con lợn buộc phải tiêu hủy, khối lượng 484 tấn. Thăng Bình là huyện có số lượng đàn heo nái lớn nhất tỉnh Quảng Nam nên khi tiêu hủy đã phát sinh khối lượng lớn. Do đó, BVMT tại điểm tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh là vấn đề được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Cũng theo Phòng TN&MT huyện Thăng Bình, qua kiểm tra, giám sát tại 85 điểm nằm trong quy hoạch điểm chôn lấp xác động vật thì chưa xảy ra sự cố môi trường. Khó khăn lớn nhất của địa phương là nguồn kinh phí hóa chất, vật tư cũng như nhân công thực hiện chôn lấp, tiêu hủy.
Kiểm tra thực tế, đánh giá công tác BVMT tại các điểm tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Thăng Bình, Quảng Nam |
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Gia Cường - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên ghi nhận công tác phòng chống dịch, cũng như công tác BVMT trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thăng Bình. Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của các ngành liên quan, việc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh đảm bảo nên chưa xảy ra sự cố môi trường. Một số điểm tiêu hủy lợn nhiễm bệnh với số lượng lớn đã thực hiện việc lót đáy bằng bạt. Bên cạnh đó, hiện còn có điểm mặc dù được quy hoạch để chôn lấp tập trung nhưng do số lượng lợn chết nhỏ lẻ, phát sinh theo ngày nên áp dụng biện pháp chia thành nhiều hố chôn nhỏ và chưa thực hiện lót bạt. Ông Nguyễn Gia Cường đề nghị lãnh đạo huyện tiếp tục có chỉ đạo và yêu cầu các xã thực hiện đồng bộ việc lót đáy bằng bạt trong quá trình chôn lấp để đảm bảo cô lập triệt để các hố chôn lấp, tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Theo báo cáo của huyện Thăng Bình thời điểm hiện nay, dịch vẫn đang xảy ra tại nhiều xã trên địa bàn Thăng Bình và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, Ông Nguyễn Gia Cường đã kiến nghị chính quyền huyện chỉ đạo các ban, ngành trong đó có TN&MT, NN&PTMT huyện cần phối hợp chặt chẽ để triển khai khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương.
“Thăng Bình hiện có 03 trang trại với số lượng lợn khoảng 3.000-4.000 con. Do vậy, địa phương cần xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể khi xảy ra đại dịch với phương án dự phòng về vị trí, diện tích chôn lấp trong tình huống xấu, đồng thời, có phương án để huy động các lực lượng khác như công an, quân đội vào cuộc để chủ động hơn”- Ông Nguyễn Gia Cường đề nghị.
Trước đó, ngày 11/7, đoàn công tác của Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên đã có buổi làm việc với Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) và Chi cục Thú y tỉnh về tình hình bảo vệ môi trường (BVMT) trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại địa phương.
Thị trấn mang tên “Thiên đường” tại Mỹ mất 90% dân số, hóa “địa ngục” chỉ sau 1 vụ cháy rừng
Số liệu mới được công bố bởi Gavin Newsom, Thống đốc bang California, Mỹ, cho thấy một thị trấn nằm ở phía Bắc bang này đã mất tới 90% dân số sau vụ cháy rừng lịch sử tại Mỹ vào năm ngoái.
Vụ cháy rừng lịch sử tại California đã khiến 1 thị trấn bốc hơi 90% dân số của mình (Ảnh: USA Today)
Vụ cháy rừng lịch sử tại California đã khiến 1 thị trấn bốc hơi 90% dân số của mình (Ảnh: USA Today) |
Một cuộc điều tra dân số được thực hiện vào tháng 4 vừa qua tại thị trấn Paradise (tiếng Anh có nghĩa là Thiên đường) phía Bắc California đã cho thấy một kết quả gây sốc.
Theo đó, thị trấn nằm ở chân núi Sierra Nevada này giờ chỉ còn 2.034 hộ dân. Con số này thấp hơn gấp 10 lần so với 26.800 dân được ước tính tại Paradise vào năm 2010, và giảm tới hơn 2.000 người so với 4.600 dân còn sinh sống tại thị trấn này vào đầu năm nay.
Nguyên nhân từ sự sụt giảm dân số kỷ lục trên xuất phát từ vụ cháy rừng lịch sử tại California vào năm ngoái. Vụ cháy rừng được coi là tồi tệ nhất trong gần 1 thế kỷ qua tại nước Mỹ đã thiêu rụi gần như toàn bộ thị trấn nhỏ bé này cùng các khu vực lân cận.
Theo ước tính, có tới 85 người thiệt mạng, 14.000 nhà dân chiếm diện tích gần 62.000 hecta tại Paradise bị phá hủy hoàn toàn.
Hơn nữa, làn sóng di tản sang nơi ở mới của hàng chục nghìn người dân địa phương, do không chịu nổi các điều kiện sống khắc nghiệt trong và sau vụ cháy rừng tại đây, đã biến thị trấn mang tên “Thiên Đường” này trở thành “địa ngục” theo đúng nghĩa đen.
Kế hoạch tái thiết Paradise đã được khẩn trương thực hiện trong năm nay, với việc cấp phép cải tạo 2 trong số 11.000 nhà dân còn chưa được xây mới sau vụ cháy rừng. Thống đốc Gavin Newsom cũng đã phê duyệt công nhận Paradise thành khu vực nông thôn vào thứ Năm vừa qua (12.7), nhằm giúp nơi này được tiếp nhận dễ dàng hơn các khoản vay và trợ cấp, cùng các chương trình phát triển nông thôn được Chính phủ liên bang tài trợ.
Động đất rung chuyển Philippines
Một trận động đất mạnh xảy ra gần đảo Mindanao, miền nam Philippines vào sáng qua 13.7 làm ít nhất 51 người bị thương và nhiều nhà cửa bị thiệt hại.
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ thông báo trận động đất mạnh 5,8 độ Richter với tâm chấn ở độ sâu gần 12 km tại vùng biển phía đông đảo Mindanao, trong khi cơ quan hữu trách Philippines ghi nhận ít nhất 7 dư chấn.
24d.jpg: Thiệt hại trong trận động đất ở Mindanao |
Tờ The Philippine Star dẫn lời nhà chức trách cho biết nhiều đô thị trong vùng bị rung lắc dữ dội.
Tại thị trấn Madrid, nhiều người tháo chạy khỏi các tòa nhà, trong khi nhân viên tại đồn cảnh sát chui xuống gầm bàn để tránh mảnh vỡ rơi xuống.
Đội ngũ nhân viên, bác sĩ tại một bệnh viện gần đó phải sơ tán người bệnh do tường nhà xuất hiện các vết nứt lớn. Giới chức Philippines chưa công bố tổng mức thiệt hại do trận động đất gây ra.
Mưa gió mùa xối xả ở Nam Á: Hàng chục người thiệt mạng
Lũ lụt và lở đất gây ra bởi những cơn mưa gió mùa xối xả đã khiến ít nhất 40 người trên khắp Nam Á thiệt mạng trong hai ngày qua, các quan chức cho biết hôm thứ Bảy (ngày 13/7).
Gió mùa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, khiến nhiều người tử vong và có sức phá hủy rộng khắp Nam Á mỗi năm.
Ở Nepal, 27 người đã chết trong lũ lụt và lở đất sau khi mưa lớn diễn ra tại khu vực phía đông và đồng bằng phía nam của đất nước này.
Bishwaraj Pokharel, người phát ngôn của lực lượng Cảnh sát Nepal, nói thêm rằng 11 người bị thương và 15 người khác bị mất tích.
Ba trong số các nạn nhân đã thiệt mạng khi một bức tường sụp đổ ở thủ đô Kathmandu.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cứu hộ tính mạng người dân và tất cả các nguồn lực của chúng tôi đã được triển khai", Umakanta Adhikari – một quan chức Bộ Nội vụ Nepal nói với AFP.
Các nước Nam Á đang chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt và lở đất từ những cơn mưa gió mùa lớn. (Nguồn: CNA/AFP) |
Cảnh sát đã sử dụng thuyền để đưa mọi người đến nơi an toàn khi những dòng sông chảy xiết, chảy tràn qua các khu định cư của họ. Cha mẹ mang theo con cái của họ trên vai và lội qua những vùng nước cao ngang ngực.
Cơ quan thời tiết của Nepal đã đưa ra cảnh báo ở mức cao đối với khu vực sông Sapta Koshi vào thứ Bảy và gửi cảnh báo qua tin nhắn SMS tới người dân trong khu vực.
Tại nước láng giềng Ấn Độ, 11 trường hợp tử vong đã được ghi nhận ở các bang phía đông bắc Assam và Arunachal Pradesh, các quan chức nước này cho biết hôm thứ Sáu.
Những cơn lũ trong thời kì gió mùa cũng đã làm ngập 21 quận ở Assam, ảnh hưởng đến hàng ngàn người, theo thông tin hôm thứ Sáu từ các quan chức này.
Tại Bangladesh, các nhóm viện trợ đang cung cấp khẩu phần ăn cho người tị nạn Rohingya ở phía đông nam đất nước. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng hai người, trong đó có một trẻ em đã tử vong.
Năm ngoái, hơn 1.200 người đã thiệt mạng trên khắp Nam Á do bão lũ trong thời kì gió mùa. Đặc biệt, khu vực Kerala của Ấn Độ còn hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong gần 100 năm.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét