Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử từng đăng tải bài viết "Ninh Bình: Dân tố chính quyền bồi thường đất sai quy định?" liên quan đến đơn thư của người dân xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, Ninh Bình, phản ánh về việc hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp của người dân canh tác qua nhiều năm nhưng khi đền bù, Ban GPMB huyện Nho Quan và UBND chỉ chi trả 1/3 số tiền được hưởng, 70% số tiền đền bù còn lại UBND xã Kỳ Phú giữ lại.
Người dân cho rằng, diện tích đất khai hoang của họ trong hàng chục năm qua nếu chiếu theo quy định Luật Đất đai thì đã được cấp giấy CNQSDĐ. Năm 2011, Sở TN&MT cũng đã về đo vẽ, lập bản đồ diện tích từng thửa ruộng của người dân để tiến hành cấp giấy chứng nhận, sự việc này cũng đã có sự chứng thực của Chủ tịch UBND xã thời bấy giờ.
Công trình nhà văn hóa xã trị giá hàng tỷ đồng hiện đang "đắp chiếu" bởi thiếu ngân sách xây dựng. |
Tuy nhiên, theo người dân cho biết, lãnh đạo xã Kỳ Phú lại không thông báo cho người dân biết, dẫn đến số diện tích đất nông nghiệp của người dân khi thu hồi năm 2014 chỉ được bồi thường giá trị là 15.000 đồng/m2.
Điều đáng nói, lãnh đạo xã Kỳ Phú lại dựa vào quy định là số diện tích đất hoang đó thuộc sự quản lý của xã, người dân không có giấy tờ chứng minh nên khi bồi thường xã có quyền được hưởng 70% số tiền đền bù.
Những lùm xùm về công tác đền bù đất đai chưa kịp lắng xuống, mới đây người dân tiếp tục phản ánh về một số sai phạm trong công tác quản lý tài chính, trong đó có việc lãnh đạo xã Kỳ Phú chỉ đạo lập hồ sơ dự án giả để rút ruột ngân sách nhà nước.
Tất cả các khoản chi trong báo cáo tài chính từ năm 2013 trở về trước đều không có mục Cải tạo nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ UBND xã, nhưng số nợ này vẫn được cộng vào trong báo cáo tài chính các năm sau. |
Theo đó, trong các báo cáo thu chi của UBND xã Kỳ Phú giai đoạn 2013 - 2016, một số khoản chi trong báo cáo có dấu hiệu làm giả, dự án không hề có trong dự toán và thực chi ngân sách nhưng lãnh đạo xã này vẫn chỉ đạo đưa vào để rút ruột hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, tại Báo có số 02/BC-UBND ngày 8/1/2014 của UBND xã Kỳ Phú về thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách xã năm 2013, nợ phải trả xây dựng cơ bản đến 31/12/2013 là 980.937.161 đồng, trong đó có mục Cải tạo nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ UBND xã với số tiền 232.765.000 đồng.
Đối chiếu với bản dự toán chi và thực chi ngân sách năm 2013 và các năm trước thì không hề thấy mục nào thể hiện chi cho việc thực hiện dự án Cải tạo nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ UBND xã. Trong khi đó, năm 2013, số tiền chi vào việc xây dựng cơ bản của xã Kỳ Phú là 0 đồng. Nghĩa là mặc dù dự án này không có trong các báo cáo thu - chi nhưng số tiền 232.765.000 đồng vẫn được ghi vào và cộng dồn trong tổng số nợ phải trả xây dựng cơ bản.
Kể từ báo cáo tài chính năm 2015 trở đi, số tiền này bỗng nhảy vọt lên gần 248,5 triệu đồng mà không rõ lý do. |
Thậm chí, trong báo cáo ban đầu trong năm 2013 là 232.765.000 đồng, nhưng báo cáo tài chính các năm sau, số tiền lại nhảy vọt lên tận 248.490.000 đồng.
Làm việc với UBND xã Kỳ Phú về vấn đề trên, ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã lại khẳng định, hồ sơ dự án Cải tạo nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ của xã có đầy đủ, không thiếu mục nào. Khi bắt đầu xây dựng và thanh toán khối lượng đều có hồ sơ, sổ sách đầy đủ.
“Chúng tôi chẳng có gì sai, không sai một cái gì cả, hồ sơ xây dựng nó đầy đủ, từ lập dự toán, thẩm định, rồi các lãnh đạo ký vào, khối lượng công trình nó rõ như ban ngày”, ông Lâm khẳng định.
Khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ phê duyệt dự án, hồ sơ mời thầu, bảng quyết toán khối lượng công trình, ông Lâm viện lý do đã cung cấp toàn bộ hồ sơ Đoàn công tác trên huyện, cán bộ văn phòng không có nhà nên đề nghị PV lên UBND huyện lấy.
Dự án sửa chữa nhà văn hóa xã và các công trình phụ trợ UBND xã bị người dân tố lãnh đạo xã lập hồ sơ khống để rút ruột ngân sách. |
Tuy nhiên, theo các tư liệu PV thu thập được, hạng mục cải tạo nhà văn hóa xã Kỳ Phú thực chất là không có thật và có dấu hiệu của việc làm giả hồ sơ, giấy tờ. Qua trao đổi và cung cấp các tài liệu cho PV, một người từng là cán bộ xã (xin được giấu danh tính-PV) cho biết, vụ việc này hết sức nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.
Theo đó, trong một đoạn hội thoại, người dân này đã chất vấn và khẳng định với bà Nguyễn Thị Bích Đào, Bí thư đảng ủy xã Kỳ Phú là số tiền hơn 232 triệu đồng dùng để sửa chữa nhà văn hóa là không có thật, là hồ sơ khống và đề nghị bà Đào phải làm rõ khoản chi tiêu này.
Bà Đào giải thích lại rằng, số tiền ấy đã được dùng để “bù” vào một số khoản đã chi tiêu ngoài ngân sách: “Phí Vinaphone, vùng nguyên liệu mía không đưa vào ngân sách, chi tiêu rồi, giờ nó bắt phải nộp những cái đấy vào. Những cái đấy mình đã đi thăm quan, thăm kiếc các kiểu, xong bây giờ để ngoài ngân sách không đưa vào, bây giờ nó thu hồi lại hết, xong đợt tiền quần áo nợ mấy chục triệu không giả được lại phải loanh quanh để giả nợ không nó truy tố. Hồ sơ khống cũng có thể thật, nhưng nó phải đắp vào những cái đấy”.
Công trình nhà để xe cán bộ UBND xã có mức đầu tư lên tận 82.672.000 đồng. |
Cũng theo nội dung đoạn hội thoại, tại các kỳ họp HĐND xã, số tiền hơn 232 triệu đồng dùng cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa, vị này nói đã yêu cầu lãnh đạo xã phải đưa ra khỏi các khoản chi tiêu ngân sách xã bởi đây là hồ sơ khống, làm giả, việc này bà Đào có nắm được thông tin nhưng không cho kiểm tra, xử lý.
Tại kỳ họp HĐND ngày 5/7/2016, đích thân ông Vũ Đình Lâm - Chủ tịch HĐND xã (hiện đang giữ chức Chủ tịch xã) vẫn cho biểu quyết thông qua. Sau đó, UBND xã Kỳ Phú tiến hành thanh toán hơn 248 triệu cho ông Bình, là đơn vị thi công dự án này. Việc này được kiểm chứng thông qua các đoạn hội thoại giữa ông Bình và vị cán bộ xã, khi ông Bình khẳng định: Đã nhận được đủ tiền.
Tuy nhiên, theo nội dung đoạn hội thoại, bà Đào cho biết thực chất số tiền này ông Bình không được nhận mà lại dùng để “khỏa lấp” vào các khoản lãnh đạo xã Kỳ Phú đã chi tiêu không đúng quy định trước đó.
Bà Đào đã giải thích lại với vị cán bộ xã này là: "Hiện tại đang nợ ông Bình nữa nhưng tôi bảo thằng Lâm (tức ông Vũ Đình Lâm - PV) là những cái đấy họ thu thì có, nhưng mà từ những năm nảo năm nào đến giờ, sao các kỳ họp HĐND không thấy ghi nợ chỗ nọ chỗ kia. Bây giờ trả nợ vào chỗ kia không thể giải trình được nên tôi bảo thằng Lâm là cái đấy gọi ông Bình vào thông cảm”.
Cũng theo tư liệu PV thu thập được, bà Đào cũng nhắc đến việc một số dự án, các khoản chi tiêu xã Kỳ Phú thực hiện nhưng lại không biết đơn vị thi công là ai, chi vào những việc gì và chi hết bao nhiêu tiền.
Đặc biệt, hiện nay bà Nguyễn Thị Bích Đào – Bí thư Đảng ủy, ông Vũ Đình Lâm – Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ chủ chốt đang bị người dân tố cáo là không đủ bằng cấp, trình độ chuyên môn, thậm chí đã từng bị kỷ luật nhưng vẫn được cất nhắc giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng ủy, HĐND, UBND xã Kỳ Phú.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
0 nhận xét