Trung bình mỗi Hà Nội phát sinh khoảng 6.500 tấn rác sinh hoạt, đó là con số được nêu ra trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban đô thị, HĐND Thành phố Hà Nội. Khối lượng rác khổng lồ này được phân luồng tập trung chủ yếu về hai bãi rác lớn nhất là bãi Nam Sơn và bãi Xuân Sơn.
Hai bãi rác lớn này đang phải hoạt động hết công suất, gây quá tải và ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý dẫn đến nhiều lần người dân trong khu vực bị ảnh hưởng gần bãi rác phản đối. Với tình trạng quá tải như hiện nay nếu như không có giải pháp công nghệ thay thế thì bắt buộc phải đóng bãi vào năm 2020
“Đắm chìm” trong rác và các dự án chậm tiến độ
“Khủng hoảng” rác - đó là câu chuyện vài ba tháng lại xảy ra đối với Hà Nội khi người dân sống gần các khu Liên hợp xử lý rác “phong tỏa” không cho xe rác vận chuyển vào bãi. Đầu tháng 7 vừa qua, người dân Nam Sơn đã chặn xe rác để đòi quyền lợi và đền bù, thành phố Hà Nội đã bổ sung các chính sách đền bù tái định cư kịp thời và thỏa đáng, chính hành động kịp thời đó đã tạm thời tháo gỡ được nút thắt trong tình thế cấp bách.
Người dân xã Nam Sơn chấp thuận với mức giá đền bù mới của Thành phố Hà Nội đưa ra ngày 5/7/2019. |
Trong khi các bãi chôn lấp rác thải đạt ngưỡng thì các nhà máy xử lý rác thải bằng phương pháp đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải được ứng dụng tại nhiều cơ sở nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các dự án xử lý rác thải công nghệ tiên tiến lại đang chậm triển khai như : Điện rác Sóc Sơn 4.000 tấn/ngày; dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày; dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng công suất 500 tấn/ngày; Khu xử lý CTR Đồng Ké công suất 1.500 tấn/ngày…
Nếu các dự án này tiếp tục “giậm chân tại chỗ”, công tác kiểm tra, đôn đốc không được thực hiện đồng bộ, Hà Nội sẽ chính thức “đắm chìm” trong rác trong những năm tới.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề “khủng hoảng” rác và lý do khiến các bãi chôn lấp lại trở nên quá tải như vậy, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Văn Miều - Trưởng ban truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ông chia sẻ:
“Rác mà Hà Nội thải ra mỗi ngày phần lớn là đem chôn lấp. Vậy câu hỏi đặt ra là bao nhiêu diện tích ở Nam Sơn và những nơi khác đủ để chúng ta tiếp tục chôn lấp lượng rác của Hà Nội đây? Thành phố Hà Nội cần phải tính đến bài toán căn cơ hơn là rác thải sau khi tập kết phải đưa vào đốt và phát thành điện. Khi đốt thành điện sẽ hạn chế thải ra môi trường những tạp chất độc hại”.
Thay đổi thói quen của người dân – việc cần làm ngay!
Tuy nhiên, nhiều dự án nhà máy đã được phê duyệt, nhưng khi triển khai thì còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai chậm, đặc biệt, công nghệ của các nhà máy này chưa thể đáp ứng được bởi chưa phù hợp với phong tục, tập quán của người dân Việt Nam.
“Người dân Việt Nam không có thói quen phân loại rác tại nguồn, tất cả các loại rác từ rác hữu cơ, rác thải rắn, rác thải độc hại đều cho chung vào nhau. Nên khi xử lý, các công nghệ đốt không thể đáp ứng được, dẫn đến nhiều nhà máy xuống cấp nhanh, thường xuyên xảy ra hư hỏng”, TS Trần Văn Miều chia sẻ.
Bãi chôn lấp chất thải rắn tại bãi rác Xuân Sơn sẽ quá tải vào năm 2020. |
Việc tạo thành thói quen tốt cho người dân là việc làm cần thiết, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao ý thức, thay đổi thói quen, tư duy tuỳ tiện của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn.
Trần Văn Miều cho rằng: “Để thay đổi được ý thức, thói quen của người dân là rất khó. Người Việt Nam theo truyền thống văn minh lúa nước, bao giờ cũng có tính tùy tiện, dụng cụ đi làm về thì có để chỗ nào cũng được. Nhưng con người ở các nước công nghiệp hiện đại thì khác, đâu ra đó, theo nề nếp, ý thức công nghiệp rất tốt”.
Nhiều địa phương đã được các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm trong việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, duy trì việc phân loại rác tại nguồn là rất khó bởi vì tính cố hữu của người dân Việt Nam, tự ý thức được còn thấp, do vậy thói quen vẫn còn.
“Người Việt Nam rất coi thường rác, coi rác là thứ bẩn thỉu. Ở các nước khác công nghiệp hiện đại, họ lại coi rác là tài nguyên, họ phân loại rác tốt hơn. Khi chúng ta coi rác là một tài nguyên và thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt thì môi trường sẽ sạch sẽ, giảm thiểu ô nhiễm, kinh tế phát triển”, TS. Miều chia sẻ thêm.
Trước những khủng hoảng đang diễn ra rất đáng lo ngại cho Hà Nội, để có thể giảm bớt gánh nặng và giải quyết được bài toán “rác thải” cho thành phố Hà Nội thì cần phải có những chính sách phù hợp, công nghệ tiến tiến được áp dụng
Và hiện nay với tình trạng nhiều doanh nghiệp đang cố tình biến rác thải công nghiệp thành rác thải sinh hoạt mang đi xử lý gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với công nghệ hiện nay. Chế tài nào để xử phạt đối với các doanh nghiệp cố tình sai phạm?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
0 nhận xét