Làng quê giàu lên nhanh chóng nhưng kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề về môi trường sống, nhà xưởng mọc lên trái phép trên đất nông nghiệp, bờ xôi ruộng mật lại bị bỏ không... Trong khi đó, các giải pháp cho vấn đề được đánh giá là hổng cả về chính sách lẫn thực tế triển khai.
“Chiếc áo chật” ở ngôi làng doanh thu trăm tỷ
Gần 20 năm qua, làng nghề truyền thống chăn ga, gối đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội) luôn trong cơn “khát” mặt bằng sản xuất. Đến đầu làng, trước mắt chúng tôi là những thửa ruộng cỏ mọc um tùm. Đi thêm nửa cây số, làng nghề hiện ra với cảnh buôn bán náo nhiệt, các cửa hàng lớn nhỏ mọc san sát. Trong các gia đình luôn rộn tiếng máy móc từ sáng sớm đến tối mịt. Một cụ bà 80 tuổi kể, trước đây, việc làm chăn bông ở Trát Cầu là nghề phụ khi chuẩn bị vào mùa đông, việc chính vẫn là làm nông.
Qua vài con ngõ quanh co, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Quang Thà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Trát Cầu. Gia đình ông Thà là doanh nghiệp thuộc loại lớn nhất làng. Ông Thà cho biết, trước kia, người làng làm chăn bông thủ công. Từ năm 1945, người dân Trát Cầu đã biết cải tiến máy dệt của Nhật Bản để làm chăn bông, từng làm hàng vạn chiếc áo bông để phục vụ kháng chiến…
Khoảng 20 năm trước, khi các doanh nghiệp làm chăn ga, gối đệm của nước ngoài vào Việt Nam, một số người làng xin vào làm việc. Dần dà, họ nắm bắt được công nghệ mới, nghỉ việc, về làng đầu tư máy móc sản xuất. Đến nay, làng Trát Cầu có khoảng 30 doanh nghiệp, đầu tư máy móc của Nhật Bản, Hàn Quốc hàng tỷ đồng để sản xuất. Những hộ bình thường cũng bỏ ra vài trăm triệu đồng để nhập máy móc cỡ nhỏ. “Làng Trát Cầu như một công xưởng lớn, hoạt động nhộn nhịp cả ngày, quanh năm không có ngày nghỉ” - ông Thà cho biết.
Một gia đình ở Trát Cầu mỗi ngày có thể cho ra lò 1.000 chăn, ga, gấp 1.000 lần so với làm thủ công. Chăn ga, gối đệm Trát Cầu tỏa đi khắp các tỉnh thành trong nước, thậm chí còn xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia... Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho hay, Trát Cầu có gần 1.000 hộ sản xuất chăn ga, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. “Mỗi năm, ước tính làng nghề Trát Cầu có tổng doanh thu hơn 200 tỷ đồng”, ông Minh nói.
Làng nghề càng phát triển thì nhu cầu có mặt bằng để mở rộng lại càng cấp thiết. Ông Nguyễn Huy Bộ, Trưởng thôn Trát Cầu dẫn phóng viên đi một vòng quanh làng. Nhà anh Lê Văn Thiện, một hộ cuối làng ngổn ngang những sản phẩm chờ xuất xưởng. Gia đình anh cần khoảng 400 m2 để làm nhà xưởng, nhưng 10 năm qua chưa thể thuê vì nhà nào trong làng cũng chật hẹp. Hầu hết các gia đình dùng toàn bộ tầng một đặt máy móc và nhà kho, sinh hoạt ở tầng 2. “Mang tiếng là làng quê, nhưng khó tìm ra nhà ai có vài mét vuông đất trống” - ông Bộ cho biết. Dân Trất Cầu khốn khổ với tiếng ồn của máy móc, bụi bặm và nỗi lo lớn nhất là hỏa hoạn, mỗi năm có 1- 2 vụ cháy nhà xưởng.
Thế nhưng Trát Cầu vẫn còn nhiều đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Ông Bộ cho biết, thôn có hơn 3.600 sào đất nông nghiệp, nhưng người dân chỉ sản xuất mỗi năm một vụ. Thậm chí, có nhiều thửa ruộng người dân không canh tác. “Nhiều người dân ước có thể chuyển một phần diện tích đất ruộng bỏ hoang thành mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, mang lại giá trị kinh tế cao gấp vài trăm lần trồng lúa” - ông Bộ nói.
Để giải cơn “khát” mặt bằng sản xuất, năm 2010, Cụm công nghiệp làng nghề Trát Cầu rộng khoảng 7ha được hình thành. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã được thuê hết. “Năm năm qua, người dân và UBND xã nhiều lần đề nghị mở rộng Cụm công nghiệp làng nghề, nhưng vẫn phải chờ” - ông Dương Ngọc Minh cho biết.
Làng tỷ phú lọt vào danh sách “làng ung thư”
Những năm gần đây, nông thôn xuất hiện nhiều làng nghề chuyên thu gom, tái chế đồng nát, rác thải. Mẫn Xá (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) là một làng như thế, dân làng giàu lên nhanh chóng nhưng đang gánh chịu môi trường sống nguy hiểm.
Trạm Y tế Văn Môn có một cuốn sổ thống kê đầy đủ họ tên, năm sinh và nguyên nhân dẫn đến cái chết của cư dân xấu số. Năm 2015, toàn xã có 29 trường hợp qua đời, trong đó có 10 người mắc các căn bệnh ung thư, như ung thư gan, ung thư phổi, lao phổi. Để tách bạch số ca tử vong, từ năm 2016 - 2019, cán bộ y tế xã gạch chân những trường hợp chết vì ung thư và số lượng những cái “gạch chân” đó ngày càng nhiều. Năm 2017, 13 trên tổng số 30 người qua đời vì ung thư phổi, họng, não, thận, xương. Năm 2018, 31 trường hợp qua đời thì 15 trường hợp ung thư phổi, đại tràng, gan, suy tim, suy thận. Tháng 1/2015, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách 37 “làng ung thư”, Mẫn Xá nằm trong số này.
Trạm trưởng Nguyễn Văn Duy cho hay, thu nhập ổn định nhờ nghề tái chế, đúc nhôm, người Mẫn Xá gặp vấn đề sức khỏe thường đến thẳng bệnh viện tỉnh, hoặc trung ương. Tuy nhiên, trạm xá vẫn phải theo dõi, thống kê, phân tích. Bản thân ông Duy có 15 năm công tác tại trạm nên hiểu rất rõ tình hình sức khỏe của dân địa phương. Theo ông Duy, người làng Mẫn Xá thường gặp các bệnh về đường hô hấp, về ung thư, phổ biến nhất là gan, phổi, tim.
Hơn 300 hộ làm nghề với hàng trăm lò thủ công ngày đêm phì phò nung chảy đồ nhôm, nhiều nhất là lon nước giải khát… khiến không khí ở Mẫn Xá lúc nào cũng như phủ một lớp sương màu xám, đặc quánh. Ngay tại trạm xá này, cách các cơ sở đúc nhôm khoảng 1 km, nhưng ngày nào cán bộ y tế cũng phải quét dọn phòng ít nhất 2 lần để hạn chế bụi than bám vào đồ vật, nền nhà.
“Bụi xỉ than quá nhiều, ngày nào có cơn gió bấc thì cả làng không nơi nào không có bụi. Người dân Mẫn Xá có con nhỏ không dám để con học tại trường mầm non làng mà thường gửi sang làng bên. Trường mầm non của Mẫn Xá mấy năm rồi không còn học sinh, bỏ không”, ông Duy nói.
Bất chấp độc hại
Tại trụ sở UBND xã Văn Môn, cán bộ môi trường Nghiêm Xuân Xô quá quen với sự xuất hiện của nhà báo. Anh Xô có sẵn một folder (tệp tin trong máy tính) chuyển đến email của phóng viên, gồm báo cáo môi trường, phát triển làng nghề, báo cáo kinh tế - xã hội… Nhiều tuyến bài, phóng sự về ô nhiễm không khí, nguồn nước được xuất bản, song tình hình không mấy cải thiện.
Công an viên của Văn Môn, anh Hà Đình Tý đưa chúng tôi vào các lò tái chế. Đi ngang nhà mình nhưng ông Tý không mời chúng tôi vào chơi vì ngại nhà lúc nào cũng phải quây bạt, đóng kín cửa để hạn chế bụi. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ 2 cơ sở tái chế nhôm kể: Trước đây, Mẫn Xá chỉ có vài hộ sản xuất xoong, nồi, thau chậu đem bán hoặc gò hàn theo yêu cầu. Kinh tế thị trường phát triển, phế liệu nhôm nhiều, nhất là vỏ lon bia, nước ngọt... nên dân Mẫn Xá đua nhau lập xưởng thu gom vỏ lon về nung chảy, đúc thành khuôn, đem bán.
Hiểu rõ mức độ nguy hiểm của nghề tái chế nhôm nên nhiều thanh niên làng Mẫn Xá đã chọn công việc khác, khoảng 90% lao động tại các lò sản xuất đền từ các tỉnh ngoài. Xưởng của chị Lan rộng khoảng 300m2, có 6 người làm công, trong đó có anh Nguyễn Minh Sơn người Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Công việc thợ lò mang lại cho anh Sơn 25 triệu/tháng. Hàng ngày, anh Sơn cho từng khối vỏ lon đập dẹp vào lò nung, chờ nhôm lỏng rồi đổ vào các khuôn chữ nhật bằng gang. Mỗi ngày đội 6 người của anh có thể đúc được trên dưới 200 thỏi.
Khu đất nông nghiệp rộng hàng ngàn m2 bỏ hoang sau làng trở thành điểm lý tưởng để người dân Mẫn Xá tập kết tro xỉ. Theo công an viên Hà Đình Tý, mỗi ngày người Mẫn Xá đổ hơn 20 tấn tro xỉ ra môi trường. Sau mấy tiếng đồng hồ khảo sát tại các xưởng sản xuất tái chế nhôm, lần đầu đến Mẫn Xá, lồng ngực chúng tôi tức, khó thở. Đây cũng là cảm giác của những người làm công tại làng Mẫn Xá nhưng họ vẫn bất chấp. Biết rõ độc hại, nhưng vì lợi nhuận kinh tế, giấc mơ mua một cái xe ô tô để hành nghề taxi, anh Sơn chưa thể chia tay vùng đất này. “Kết quả thế nào tính tiếp, còn giờ cố làm, có tiền mới chuyển sang nghề khác được”, anh Sơn nói.
Ông Nghiêm Xuân Xô, cán bộ môi trường xã Văn Môn cho rằng, để giải quyết dứt điểm vấn đề tại làng Mẫn Xá thì các cấp chính quyền phải quyết liệt hơn. Trong đó, dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, Văn Môn rộng 26.5ha phải sớm được hoàn thành. Sau hơn 5 năm quy hoạch, chủ đầu tư đang tiến hành san lấp được khoảng 94% mặt bằng. Tại cụm công nghiệp, một cơ sở sản xuất được đưa ra thử nghiệm và thu được kết quả khả quan. Công nghệ nung nhôm tiên tiến, thay lò thủ công dùng than đá, hạn chế được khói bụi, tro xỉ. Đó cũng là cơ hội cho con em Mẫn Xá không phải “di tản” sang làng khác học nhờ và xóa đi nỗi ám ảnh “làng ung thư”. |
11 triệu người làm ở hơn 5.400 làng nghề Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 6/2018, cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 11 triệu lao động, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn. Tại Hội nghị Sơ kết chương trình khuyến công Quốc gia 2014-2018 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cho hay: Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 - 2018 của cả nước được phê duyệt 1.186 tỷ đồng. Chương trình tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, 630 cơ sở công nghiệp nông thôn được chuyển giao công nghệ, máy móc... Tuy nhiên, về hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, báo cáo của chương trình cho thấy chỉ mới triển khai được tại 22 địa phương, tổng số có 45 cụm công nghiệp được hỗ trợ. |
Công việc đốt lò giúp anh Nguyễn Minh Sơn thu nhập trung bình 25 triệu đồng/tháng Ảnh: Võ Hóa |
Theo Tiền Phong
0 nhận xét