Con ngõ dẫn vào nhà chú Nguyễn Đức Cường |
Sống trong vô thức sau tai nạn
Gần cuối con ngõ 36 phố Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có một căn nhà 1 tầng chia đôi là nơi sinh sống của 8 nhân khẩu thuộc 2 hộ gia đình. Hàng ngày, từ căn nhà ấy, người ta vẫn thấy một người phụ nữ dáng người to lớn, đôi chân bước đi tập tễnh khoác trên mình bộ quần áo lao công đều đặn rời nhà lúc xế chiều và trở về lúc màn đêm đã phủ kín các con phố. Đó là bà Nguyễn Thị Thu Oanh (44 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường).
Cũng từ căn nhà ấy, ngày cùng như đêm, người dân đều nghe thấy tiếng cưng nựng của cụ Bùi Thị Miên (86 tuổi) dành cho người con trai năm nay đã bước sang tuổi 56 là ông Nguyễn Đức Cường.
Ngôi nhà rộng chưa đầy 14m2 là nơi sinh sông của 8 người |
Theo như lời những người bán hàng nước gần khu vực chợ Đồng Xuân cho biết đây là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất khu. Cái sự khó khăn ấy càng ngày càng nhiều lên từ 3 năm trở lại đây.
Bà Oanh dẫn tôi vào căn nhà nằm sâu trong con ngõ số 36. Người phụ nữ với vẻ mặt khắc khổ, trán lấm tấm mồ hôi vừa thở dài ngao ngán vừa cất giọng buồn buồn “Đúng 3 năm rồi đấy cháu ạ”.
Con số 3 năm chính là quãng thời gian chồng bà là ông Nguyễn Đức Cường gặp nạn trong lúc đang làm việc khiến cuộc sống của gia đình rơi vào bế tắc, khổ càng thêm khổ.
Chú Cường bị tai nạn giao thông dẫn đến bị chấn thương sọ não, liệt toàn thân |
Đưa mắt nhìn người chồng đang ngồi vô thức trên chiếc xe lăn đặt chính giữa căn phòng có diện tích chưa đầy 14m2 bà Oanh bùi ngùi nhớ lại vụ tai nạn giao thông định mệnh cách đây vừa tròn 3 năm.
Cũng giống như vợ, ông Cường gắn bó với công việc vệ sinh môi trường đến lúc gặp nạn được 20 năm có lẻ. 3h sáng ngày 6/7/2016, trên đường đi làm về sau ca làm việc, ông Cường bất ngờ bị chiếc xe taxi do tài xế Bùi Văn Thương mất lái lao lên vỉa hè tông trúng.
Cú đâm mạnh khiến ông Cường bất tỉnh. Thời điểm xảy ra vụ việc, ông Cường đi một mình, trên người không mang theo giấy tờ tuỳ thân nên điều duy nhất những người dân tốt bụng có thể giúp là đưa chú vào Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu.
Khi trời đã tảng sáng nhưng cũng không thấy chồng trở về nhà, điện thoại không liên lạc được. Linh tính có chuyện chẳng lành, bà Oanh rời nhà, đi khắp hết các khu phố nơi chồng hay làm việc hỏi thăm tin tức nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu.
Những dấu vết của vụ tai nạn để lại trên cơ thể chú Cường |
Trong lúc lòng đang nóng như lửa đốt, bà Oanh ghé vào công an phường để hỏi thì nhận được thông tin có một công nhân vệ sinh môi trường hôm qua bị tai nạn giao thông đã được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu.
“Trong thâm tâm tôi lúc đó chắc chắn trường hợp đồng chí công an phường nói là chồng mình nên tôi và người thân lại vội vã đến Bệnh viện Xanh Pôn. Qua hỏi thăm, tôi được biết chồng mình gặp nạn và đang được cấp cứu”, bà Oanh nhớ lại.
Vụ tai nạn giao thông không cướp đi tính mạng ông Cường nhưng lại khiến người công nhân vệ sinh bị thương tật nặng nề. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông Cường bị vỡ hộp sọ, chấn thương sọ não dẫn đến bị liệt toàn thân…
Mẹ già 86 tuổi nhiều đêm thức trắng trông con
Nhìn người con trai ngồi trên xe lăn, một nửa hộp sọ được gỡ ra, khuôn mặt đờ đẫn đưa những ánh mắt vô thức nhìn mọi người, cuh Bùi Thị Miên (86 tuổi) không giấu nổi nỗi xót xa. Thương người con trai bao nhiêu, bà càng cảm phục sự tần tảo, vất vả của cô con dâu bấy nhiêu.
“Từ khi con tôi gặp tai nạn, mặc dù may mắn không chết nhưng nó chẳng nói chẳng rằng gì suốt 3 năm nay. Nó vẫn có thể nghe được, hiểu mọi người đang nói gì nhưng những tổn thương sau vụ tai nạn khiến nó không thể nói hay cử động gì được nữa. Điều nó có thể làm duy nhất để thể hiện cảm xúc là khóc”, cụ Miên sụt sùi.
Cuộc sống trong vô thức của nam công nhân môi trường gặp nạn trong lúc làm việc5Sau khi được ninh chín, cơm, rau, thịt sẽ được cho chung vào máy say sinh tố để nghiền nát
Ông Cường khóc nhiều, mỗi lần nghe mẹ động viên, nhìn mẹ trắng đêm ngồi quạt cho con, ông lại khóc. Tiếng khóc không cất ra, biểu cảm trên gương mặt cũng không thay đổi, chỉ có những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên má.
Những lúc như vậy, cụ Miên chỉ còn biết quay đi, nén tiếng khóc, đưa bàn tay gầy gò lau vội giọt nước mắt. Rồi như để đánh lừa cảm xúc của người con trai, bà chuyển hướng sang câu chuyện khác, một câu chuyện vui vẻ hơn, bớt sầu hơn như để động viên con và động viên chính bản thân bà.
Cụ Miên bảo: “Nó không ngủ được mấy, nhiều hôm đau quá không cử động được là cứ ú ớ kêu. Nó không kêu to nhưng cứ thấy tiêng rên khe khẽ là tôi biết nó đau lắm”.
Những lúc như vậy, người mẹ già lại thức giấc, có khi ngồi trắng đêm để nói chuyện, để tâm sự với con. Những câu hỏi, những lời an ủi, động viên được bà liên tục đưa ra, từ chuyện vui đến chuyện buồn dẫu chẳng bao giờ bà thấy người con trai trả lời lại.
Cụ Miên đau ốm suốt, sức khoẻ yếu nên dễ có đến hơn 1 năm nay bà chưa bước chân ra khỏi căn phòng nhỏ của gia đình. Và cũng như thế, 24/24h bà làm bạn với con.
Sau tai nạn, ông Cường bị mất chức năng nhai nên chỉ có thể ăn được bột |
“Tôi giờ yếu lắm rồi, bữa chẳng muốn ăn gì nữa. Nhưng ngồi nghĩ lại thấy nếu mình không ăn, không cố mà khoẻ thì lấy ai chăm sóc, trông nom người con trai. Tôi không đỡ con đi vệ sinh được, không nấu nướng, không đút cho con ăn được nhưng tôi vẫn còn có thể ngồi tâm sự, nói chuyện với nó được”, cụ Miên nghẹn ngào.
Kể từ khi chồng gặp nạn, mọi gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai bà Oanh. Để tiện chăm sóc chồng, cô xin chuyển ca làm vệ sinh của mình sang ban đêm. “Như thế, ban ngày tôi có thể ở nhà chăm sóc cho anh ấy được. Tối đến phải làm việc thì nhờ cả vào sự trông nom của mẹ chồng và con trai”, bà Oanh chia sẻ.
Bản thân bà Oanh cũng mắc phải chứng đau xương khớp kinh niên. Trước đây khi ông Cường còn sống, thỉnh thoảng cô vẫn phải đi tiêm thuốc giảm đau để còn làm viêc. Tuy nhiên, từ khi chồng gặp nạn, không tiền, không thời gian, bà Oanh cứ phó mặc đôi chân mình.
Có lẽ cũng chính vì không được điều trị sớm nên sau một thời gian, bàn chân cô bị biến dạng, phình to, những bước đi của cô từ đó cũng khó khăn hơn trước rất nhiều.
Bà Oanh bảo: “Nhiều khi đi làm ban đêm hoặc gặp lúc trời trở rét, chân đau ê ẩm không bước được nhưng rồi tôi cũng kệ, không đi làm, không có tiền. Giờ cuộc sống của gia đình 4 miệng ăn đều phụ thuộc vào việc quét rác của mình cả”.
Ngồi như nhẩm tính gì đó trong miệng, cô thở dài ngao ngán: “Lương công nhân như tôi được 5 triệu/tháng nhưng phải gánh bao nhiêu thứ. Riêng tiền bỉm của chồng tôi tháng mất 500.000 đồng, tiền sữa 2 triệu, rồi tiền thuốc, tiền cho con học rồi chi tiêu cho cả gia đình. Tháng nào cũng nợ chú ạ.
Để có thêm đồng ra đồng vào, tôi cũng đun nước bán cho tiểu thương trong chợ Đồng Xuân. 2000 đồng/1,5lit, 3000/phích. Trước đây ít người làm nghề này, ngày còn bán được nhiều chứ giờ quanh đây ai cũng làm nên chẳng được bao nhiêu nữa”.
Sau vụ tai nạn giao thông, do mất hoàn toàn chức năng nhai nên ông Cường chỉ có thể ăn cháo xay. Tất cả những thức chú có thể ăn đều được cho vào trong một nồi sau đó đem ninh chín và cho vào máy say sinh tố nghiền nát.
Ngoài công việc lao công, cô Oanh còn tranh thủ đun nước bán kiếm thêm thu nhập |
“Nghiền xong rồi lại đổ tất cả vào nồi đun nóng lên một lượt nữa sau đó cho vào phích để giữ nhiệt. Mỗi khi đến bữa ăn lại đổ ra cho tiện. Anh ấy không há mồm được nên không thể đút bằng thìa, cháo lại phải cho vào ống xilanh cỡ lớn sau đó bơm vào mồm anh ấy”, bà Oanh miêu tả.
Vừa nói, người phụ nữ đều đặn “bơm” thức ăn vào miệng chồng. Bà Miên ngồi bên cạnh người con trai vừa đưa chiếc quạt nhè nhẹ vừa thủ thỉ những lời động viên “ăn đi con ạ!”, “cố ăn đi con ạ!”, “ăn đi còn lấy sức!”.
Đều đặn 3 năm qua, mỗi ngày, thứ thực phẩm nhuyễn nhuyễn đó được bơm vào dạ dày nuôi sống ông Cường đến bây giờ. Lấy khăn giấy lau vội những thực phẩm còn vương lại trên mặt người chồng, bà Oanh nghẹn ngào: “Ngày trước anh ấy ghét nhất ăn cháo đấy, thế mà bây giờ không ăn thì không được”.
Bà Oanh bước từng bước tập tễnh ra với tay nhận đồng tiền lẻ từ khách lấy nước vuốt vuốt rồi cẩn thận đút vào túi quần. Bên giường, cụ Miên vẫn cần mẫn với những câu chuyện vu vơ kể cho người con đang ngồi trên xe lăn nghe. Cuộc sống cứ trôi qua lặng lẽ trong căn nhà mà đã 3 năm nay vắng đi những tiếng cười.
Theo Đời sống Plus/GĐVN
0 nhận xét