Vào một buổi tối của ngày đầu tháng 4/2019, điện thoại của tôi rung lên, nhìn lướt qua máy điện thoại, tôi định không bắt máy do số máy lạ ngoài giờ hành chính, nhưng sau đó một vài giây cân nhắc tôi đã nhấc máy lên nghe, ngẫm lại đến ngày hôm nay tôi vẫn cảm thấy cuộc điện thoại đó thực sự cần thiết và quan trọng đối với người gọi. Sự việc đại khái là thế này, người gọi có hỏi tôi, em đi vay nóng 100 triệu của một quán cầm đồ với mức lãi suất 20%/tháng (240%/năm), thời hạn vay là 3 tháng, trả lãi hàng tháng, lý do được đưa ra chỉ là cần tiền gấp để thanh toán… Bây giờ em không có tiền trả, em phải làm sao, sau đó, người gọi gửi tôi một đoạn tin nhắn dọa hành hung, gây thương tích khi không thực hiện việc thanh toán.
Sau một hồi lắng nghe và cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh câu chuyện khách hàng, tôi quyết định tư vấn cho anh dưới góc độ của một người làm luật trước để trấn an tinh thần giúp anh và sau đó chia sẻ dưới góc độ của một người bình thường mà anh tin tưởng muốn chia sẻ để đồng cảm cho khó khăn, sức ép tâm lý, cũng giúp anh dễ cởi mở trong cuộc nói chuyện mà anh đang phải trả qua trong khoảng thời gian hiện nay.
Quay trở lại với câu chuyện lãi suất, theo quy định pháp luật hiện hành thì lãi suất cho vay của các bên được quy định trong Bộ luật Dân sự được giới hạn mức trần lãi suất là 20%/năm của khoản tiền vay, và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng thì tự do thỏa thuận mà không có mức giới hạn cụ thể và cũng chả cần tuân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Ảnh minh họa: Internet. |
Việc nhà làm luật đặt ra các quy định, giới hạn mức trần là một vấn đề đã được nghiên cứu, đưa ra để thảo luận, mổ xẻ trên các hội nghị bàn tròn của biết bao chuyên gia và tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà làm báo; thật vậy, xét thực tế việc cho vay của các tổ chức tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng có nhiều trường hợp lên tới 30 – 40%/năm, còn việc cho vay giữa các bên thì hầu như không tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự, điển hình như vụ việc nêu trên, mức lãi suất đã được đẩy lên 240%/năm của khoản tiền vay.
Bộ luật Dân sự hiện hành cũng quy định rất rõ ràng, phần vượt quá lãi suất 20%/năm sẽ không có hiệu lực và không được công nhận. Như vậy nhiều người vẫn hiểu rằng, có thể tự do cho vay mà không sợ vi phạm vì kể cả khi vi phạm cũng sẽ quy lại cột mốc lãi suất 20%, đây phải chẳng điểm mà mọi người có thể lách hay sao? Câu trả lời là không, trường hợp bên cho vay cho vay với mức lãi suất vượt mức trần lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự thì bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP, đặc biệt là có thể bị xem xét, khởi tố về tội cho vay lãi nặng nếu có đủ dấu hiệu định khung của tội này...
Việc hình sự hóa các quan hệ dân sự vẫn thường xuyên diễn ra, đặc biệt trong vấn đề cho vay dân sự; số người phải chịu về tội cho vay lãi nặng vẫn có dấu hiệu tiếp tục tăng. Đã nhiều lần tôi nêu ra quan điểm tại một số buổi tọa đàm và chia sẻ kinh nhiệm, nhà lập pháp cần phải xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng việc nên giữ hay bỏ lại tội cho vay lãi nặng, bởi tự do giao dịch là một quyền của người dân, có vay có trả, việc người vay đồng ý, tự nguyện vay với mức lãi suất mà bên cho vay đưa ra, trong nhiều trường hợp biết quy định của pháp luật là cấm nhưng vẫn muốn vay và hứa trả.
Mặt khác, việc các tổ chức tín dụng có quyền cho khách hàng vay mà mức trần lãi suất thì không xác định, còn người dân cho vay chỉ được trong một khung nhất định, vượt quá thì bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự cũng được đem ra để hù dọa.
Thiết nghĩ, khi pháp luật con bó hẹp, o ép, đầy giãy các khung pháp lý đặt ra để giới hạn các giao dịch, mà theo tôi là phù hợp, thậm chí là tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Nếu xảy ra tranh chấp trong quá trình vay, lãi suất vay thì trách nhiệm dân sự và khởi kiện dân sự còn đó, việc hình sự quan hệ cho vay dân sự với mức lãi suất cao cần phải có cái nhìn công tâm, khách quan hơn dưới góc độ của người cho vay và phù hợp hơn dưới góc độ pháp luật dân sự.
0 nhận xét