Tăng cường kiểm soát thị trường phân bón
Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhập lậu vẫn có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc và làm thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và môi trường.
Tin tức trên báo Pháp luật VN cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, kinh doanh phân bón không giấy phép sản xuất…
Ngoài ra, hiện tượng không niêm yết thông báo phát hành hoá đơn, ghi nhãn mập mờ về thành phần, chỉ tiêu chất lượng, ghi bằng tiếng nước ngoài nhằm gây nhầm lẫn về xuất xứ, lợi dụng lòng tin của người nông dân áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau để tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là việc lựa chọn địa điểm sản xuất, gia công, đóng gói thường được thay đổi hoặc thuê tại các địa bàn xa khu vực dân cư để trốn tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, trong năm 2018 đã kiểm tra, xử lý trên 1.000 vụ vi phạm về phân bón; xử phạt trên 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục Quản lý thị trường Long An đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 100 trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả và phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 2,1 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy 878 bao phân bón giả.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Long An cho biết, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn, gây thiệt hại cho người nông dân, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc trong dư luận khiến Cục Quản lý thị trường phải tăng cường nhiều biện pháp nhằm quản lý hiệu quả nhất thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, 6 tháng năm 2019, Cục Quản lý thị trường Long An tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn: Bắt giữ hàng nghìn lọ thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng ở Việt Nam
Gần 1000 lọ thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam vừa bị Công an Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ.
Tin tức trên báo TN-MT cho biết, toàn bộ số thuốc bảo vệ thực vật bị bắt giữ khi đang được vận chuyển bằng ô tô trên QL 1A, thuộc địa phận xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng. Qua kiểm tra, số thuốc bảo vệ thực vật này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, thậm chí có nhiều loại bị cấm hoàn toàn tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Lái xe Nguyễn Đăng Thu (SN 1968, trú tại xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) khai nhận, vận chuyển thuê số thuốc bảo vệ thực vật này tới các cơ sở kinh doanh ở tỉnh Hưng Yên để bán lẻ kiếm lời.
Hiện cơ quan Công an đã bàn giao số thuốc trên cho ngành chuyên môn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phạt đến 200 triệu đồng nếu mang thịt heo vào Hàn Quốc
Tin tức trên báo SGGP cho biết, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật và thủy sản Hàn Quốc vừa thông báo, Hàn Quốc nghiêm cấm hành khách nhập cảnh mang theo những sản phẩm chế biến từ thịt như chả, xúc xích, khô…
Theo lý giải của Văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO Việt Nam), quy định này nhằm ngăn chặn sự du nhập các bệnh truyền nhiễm trên gia súc từ nước ngoài như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng...
Trong trường hợp bất đắc dĩ sở hữu những vật phẩm vừa kể trên, hành khách phải điền vào tờ khai và đến khai báo tại bộ phận kiểm dịch đóng tại các cảng hàng không, cảng biển. Nếu không khai báo, hành khách sẽ phải chịu tiền phạt với mức cao nhất là 10 triệu won, tương đương khoảng 200 triệu đồng.
Hành khách là người nước ngoài có thể bị những hình phạt bổ sung như cấm nhập cảnh ngay lần vi phạm đó, hoặc bị hạn chế lưu trú. Riêng những du khách đến từ quốc gia có dịch tả heo châu Phi, loại dịch đang xảy ra ở Việt Nam, mức phạt tiền cho những người mang thịt heo và các sản phẩm liên quan vào Hàn Quốc lần lượt là: một lần phạt 5 triệu won, 2 lần phạt 7,5 triệu won và 3 lần phạt 10 triệu won.
Nghi phạm buôn ma tuý lái ô tô tông, kéo lê xe máy của trinh sát
Ngày 24/6, Cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đang tạm giữ hình sự Lê Quang Hồ (35 tuổi, ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) để điều tra về hành vi “mua bán trái phép chất ma túy” và “chống người thi hành công vụ”.
Trước đó, rạng sáng 23/6, Công an quận Ninh Kiều khám xét nơi cư ngụ của Đỗ Thanh Phong (31 tuổi) tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều và thu giữ tại hiện trường 3,3 gram tinh thể màu trắng nghi ma túy đá, 1 cân tiểu ly cùng các vật dụng khác.
Phong khai nhận số tinh thể trên là ma túy đá được Phong tàng trữ để bán cho người nghiện khác. Phong cũng khai đã mua số ma túy trên của một thanh niên tên Hồ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định người bán ma túy cho Phong là Lê Quang Hồ.
Gần 11h ngày 23/6, phát hiện Hồ đang lái ô tô (biển kiểm soát số 65A-138.57) gần khu vực Bệnh viện phụ sản TP Cần Thơ, các trinh sát áp sát, chốt chặn yêu cầu kiểm tra. Hồ không chấp hành hiệu lệnh và nhấn ga tông thẳng vào 2 xe máy của các trinh sát. Trong đó, có một xe máy bị Hồ lái xe tông dính vào gầm, kéo lê khoảng 1km mới dừng lại.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét