Open top menu
Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Cần Thơ: Xem xét đề xuất xử lý lượng rác thải tại các bãi rác

Thông tin từ Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, hiện Sở này đang xem xét đề xuất của Công ty TNHH Năng Lượng Môi trường EB Cần Thơ về việc xử lý lượng rác thải được chôn lấp tại các bãi rác trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Nhằm góp phần cùng TP. Cần Thơ giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, đất, mùi hôi phát sinh từ các bãi rác chôn lấp ở huyện Cờ Đỏ và quận Ô Môn, Công ty TNHH Năng Lượng Môi trường EB Cần Thơ (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy xử lý rác thải phát điện Cần Thơ) vừa có văn bản gửi UBND TP. Cần Thơ và Sở TN&MT đề nghị cho phép được xử lý lượng rác thải hiện có tại các bãi rác trên địa bàn thành phố.

Theo Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ, hiện các bãi rác trên địa bàn TP. Cần Thơ có khoảng 3.000 tấn rác, lượng rác này khi đơn vị có chức năng của thành phố vận chuyển đến nhà máy sẽ được Công ty hỗ trợ sàng lọc và trộn lẫn với lượng rác thải mới phát sinh để thử nghiệm xử lý, đảm bảo các chỉ tiêu về phát thải và tuân thủ đúng theo yêu cầu. Đồng thời, căn cứ vào việc đốt thử nghiệm này, Công ty sẽ gửi các kết luận tổng kết có liên quan đến UBND TP. Cần Thơ và Sở TN&MT.

Bên cạnh việc hỗ trợ sàng lọc rác thải trước khi đưa vào đốt thì Công ty TNHH Năng Lượng Môi trường EB Cần Thơ tạm thời không thu phí xử lý đối với loại rác này. Trong trường hợp TP. Cần Thơ có chủ trương chi trả khoản chi phí xử lý khối lượng rác thải này thì sẽ được thương lượng để đóng góp lại cho địa phương nơi thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: “Trên cơ sở đề nghị của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB, hiện nay, Sở TN&MT đang tập trung nghiên cứu, xem xét để sớm trình tham mưu cho UBND TP. Cần Thơ quyết định trong tháng 6/2019”.

Châu Âu nóng 40 độ C, Trung Quốc lũ lụt

Tin tức trên báo SGGP cho biết, Cơ quan Dịch vụ thời tiết Đức (DWD) thông báo nước này sắp trải qua một đợt nắng nóng bất thường, trong đó nhiệt độ tại các khu vực dọc sông Rhine có thể phá mức kỷ lục 40,30C thiết lập năm 2015.

Theo DWD, mức nhiệt độ trong khoảng 30 - 380C sẽ duy trì cho tới cuối tuần sau, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam nước Đức. Trong khi đó, Cơ quan thời tiết AEMET của Tây Ban Nha ngày 24/6 đã ban hành mức báo động vàng về tình hình thời tiết khắc nghiệt. Theo AEMET, nhiệt độ tại quốc gia trên bán đảo Iberia sẽ đạt đỉnh 400C, thậm chí có thể vượt quá 420C ở khu vực Đông Bắc thung lũng Ebro.

Cơ quan Meteo France của Pháp cũng đưa ra cảnh báo tương tự với mức nhiệt dự báo lên tới 400C ở nhiều khu vực trên cả nước, trong đó có thủ đô Paris. Chính quyền các địa phương ở nước này cũng đã triển khai một kế hoạch hành động nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, người bệnh, người già và người vô gia cư.

Tại châu Á, chính quyền tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc cho biết các trận lũ do mưa to từ ngày 21/6 đến nay đã khiến ít nhất 3 người chết, 3 người khác mất tích. Lũ lụt tại 17 quận và huyện của tỉnh này ảnh hưởng tới khoảng 455.700 cư dân. Nhiều trận lũ quét đã phá hủy 11.500ha hoa màu, làm sập 12 căn nhà, thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính khoảng 776,5 triệu nhân dân tệ (113 triệu USD).

Gói cơm nắm bằng nhựa sinh học

Theo báo Japan Times ngày 24/6, trung bình mỗi năm hệ thống cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven Nhật Bản bán khoảng 2,2 tỷ nắm cơm “onigiri” - loại cơm nắm hình tam giác gói trong lá rong biển. Bằng việc thay thế các thành phần sản phẩm gói bọc thực phẩm bằng nguyên liệu làm từ cây mía, Seven-Eleven ước tính mỗi năm có thể giảm sử dụng 260 tấn nhựa và giảm 403 tấn khí thải CO2.

Tương tự, công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart của Nhật Bản đã thay thế túi ni lông đựng mì lạnh bằng nhựa tái sinh. Tuần trước, Công ty dịch vụ thực phẩm Ohsho cũng thông báo kế hoạch thay thế ống hút nhựa bằng ống hút sinh học có thể tự phân hủy và thay thìa nhựa bằng thìa nhựa sinh học tại 729 nhà hàng của công ty trên toàn quốc từ tháng 7 tới.

Những động thái trên cho thấy các công ty Nhật Bản, nhất là các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm, đang chạy đua tìm cách giảm dần, không sử dụng nhựa, hoặc sử dụng nhựa tái chế trong các sản phẩm của họ, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Nhật Bản là quốc gia có lượng rác thải nhựa tính theo đầu người lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, và đang thụt lùi so với nhiều nước khác trong việc giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước giảm khoảng 25% lượng nhựa dùng một lần. Cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện việc tính phí cho túi ni lông ở các địa điểm bán hàng hóa như siêu thị, trung tâm thương mại nhằm hạn chế lượng túi ni lông, đồng thời nâng cao ý thức dùng túi tái sử dụng của người dân.

Thành phố Sydney của Australia ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu

Hội đồng thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia sẽ gia nhập hàng trăm chính quyền địa phương khác nhau trên toàn thế giới, ban hành Tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu.”

Hội đồng thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia sẽ gia nhập hàng trăm chính quyền địa phương khác nhau trên toàn thế giới, ban hành Tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu.”

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Thị trưởng thành phố Sydney Clover Moore cho biết Sydney dự kiến sẽ đưa ra các cam kết đầy tham vọng, hướng tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính, cũng như lên tiếng về đòi hỏi hành động chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, dự kiến tuyên bố không bao gồm bất kỳ hành động cụ thể nào.

Bà Moore khẳng định thành phố đông dân nhất Australia đã luôn đặt bền vững là ưu tiên hàng đầu trong hơn một thập kỷ qua. Hội đồng thành phố đã chủ trương hợp tác với chủ sở hữu các tòa nhà thương mại để giảm lượng khí thải nhà kính bằng nhiều biện pháp, như thay thế hệ thống đèn thường bằng đèn LED và cam kết đến năm 2020 chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại lớn.

Ngoài ra, Hội đồng thành phố cũng có kế hoạch tổ chức một hội nghị khí hậu dành cho các các nhà lãnh đạo nữ trong thời gian tới. Thị trưởng Sydney khẳng định các thành phố cần phải thể hiện sự lãnh đạo trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi thiếu vắng các hành động từ chính phủ quốc gia.

Trước thềm cuộc bầu cử liên bang Australia tháng 5/2019 vừa qua, một nhóm hơn 60 nhà khoa học và các chuyên gia tại Australia đã cùng viết một bức thư ngỏ, kêu gọi chính phủ nhiệm kỳ sắp tới cần ưu tiên hành động về biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu luôn có sẵn, tuy nhiên còn thiếu ý chí chính trị. Chính phủ Australia cần hành động mạnh mẽ hơn nữa đưa biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu, tránh để Australia ngày càng rời xa mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Mặc dù Chính phủ Australia tuyên bố sẽ đảm bảo mục tiêu giảm 26% lượng khí phát thải vào năm 2030 theo thỏa thuận Paris, nhưng một báo cáo mới nhất của Tổ chức nghiên cứu chính sách – khoa học liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái thuộc Liên hợp quốc công bố các số liệu cho thấy lượng khí thải tại Australia đang gia tăng.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét