Cưỡng chế 109 căn nhà xây không phép ở Nha Trang
Tin tức trên báo Người lao động cho biết, ngày 25/6, các lực lượng chức năng phối hợp với UBND xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cưỡng chế 109 căn nhà xây không phép tại thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái.
Đây là những căn nhà xây dựng "siêu nhanh" trên đất ao đầm nuôi trồng thủy sản do người dân tự phân lô bán nền mà Báo Người Lao Động từng phản ánh. Các căn nhà này nằm trong vùng quy hoạch khu trung tâm đô thị - hành chính của tỉnh Khánh Hòa.
Theo lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thái, dự kiến cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế trong thời gian 5 ngày, từ ngày 25 đến 29/6. Sau khi cưỡng chế, UBND xã Vĩnh Thái sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát trong vòng 1 tháng nhằm tránh trường hợp tái lấn chiếm. Từ đầu năm đến nay, TP Nha Trang đã cưỡng chế trên 150 căn nhà xây dựng trái phép, không phép.
Cầu Giấy hoàn thành việc rào tôn "đất vàng" E4
Tin tức trên báo Kinh tế đô thị cho biết, UBND phường Yên Hòa vừa phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy hoàn thành việc rào tôn chắn bảo vệ hiện trạng ô đất E4 Khu đô thị mới Cầu Giấy theo yêu cầu của UBND quận và TP Hà Nội.
Cụ thể, các lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế di dời tài sản, rào tôn bảo vệ hạ tầng vỉa hè đô thị để chống lấn chiếm. kinh doanh trái phép tại ô đất. Theo lãnh đạo UBND phường Yên Hòa, sau khi tiến hành cưỡng chế, rào tôn bảo vệ, phường sẽ tiến hành ban giao mặt bằng lại cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội quản lý theo quy định.
Cũng theo lãnh đạo phường Yên Hòa, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Rà soát lại quỹ “đất vàng” quanh các tuyến Metro
Tin tức trên VietnamNet cho biết, TP HCM có 8 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài khoảng 220 km. Trong đó, hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (giai đoạn 1, Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đang được triển khai. Những tuyến chuẩn bị đầu tư gồm: 3a, 3b, 4, 4b và 6; hai tuyến tàu điện một ray (monorail) số 2 và 3, tuyến tramway số 1 và Nhà ga Trung tâm Bến Thành.
Để hình thành hoàn chỉnh các tuyến metro, bắt buộc phải có quỹ đất cho xây dựng công trình phụ trợ, kết nối để người dân tiếp cận. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất cho các công trình liên phương thức kết nối những khu vực liền kề với nhà ga như đường tiếp cận, quảng trường ga, các bãi đậu xe trung chuyển... chưa được quy hoạch hay có kế hoạch đầu tư xây dựng cụ thể. Chưa kể, giá trị bất động sản xung quanh các công trình metro cũng tăng lên rất lớn mặc dù chưa được tận dụng một cách hiệu quả.
Hiện Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố rà soát lại quỹ “đất vàng” xung quanh nhà ga trong bán kính 1 km và dọc tuyến metro.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã triển khai thi công đạt 63,9% và đang điều chỉnh tổng mức đầu tư để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác. Dự kiến, trong năm 2020 sẽ chạy thử tuyến metro số 1 và năm 2021 sẽ vận hành tuyến này.
Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km (đoạn đi ngầm dài 2,6 km; đoạn đi cao dài 17,1 km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Dự án có vốn đầu tư ban đầu 17.388 tỷ đồng, được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2009. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên 47.325 tỷ đồng. Trong năm 2019, dự kiến dự án sẽ hoàn thành 80% tổng khối lượng.
Vận hành các toà nhà đa sở hữu còn nhiều bất ổn
Sáng 25/6, Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm “Vận hành bất động sản đa sở hữu”.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới với tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2019 đạt khoảng 40%, dự báo những năm 2040 sẽ có khoảng 50% dân số Việt Nam sinh sống tại các đô thị. Đó là một trong những lý do khiến mô hình bất động sản đa sở hữu, đặc biệt là các dự án chung cư, khu đô thị ngày càng thịnh hành.
Tính đến cuối năm 2018, trên cả nước có khoảng 4.400 tòa chung cư cùng hàng trăm dự án khu đô thị, khu nhà ở thấp tầng. Trong đó, 2 thành phố lớn nhất TPHCM có khoảng 1.440 chung cư; TP Hà Nội có khoảng 1.100 chung cư với hàng triệu dân sinh sống.
Theo số liệu thống kê từ 40 địa phương đến cuối tháng 3-2019, cả nước hiện nay có tới 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý, vận hành, chiếm khoảng 10,3% tổng số nhà chung cư.
Tại Hà Nội, có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện; TPHCM cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau; trong đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố có một chung cư đang xảy ra tranh chấp. Trong khi hình thành các khu chung cư cao tầng là một vấn đề mang tính thiết yếu, giải quyết bài toán đô thị hóa, phục vụ cho sự phát triển của các đô thị hiện đại, thì mâu thuẫn ngày càng nhiều và càng phức tạp mà chưa thể giải quyết triệt để ngày càng ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững mà các thành viên thị trường bất động sản Việt Nam đang theo đuổi.
Nguyên nhân của thực trạng này thực tế cũng đã được chỉ ra. Trong đó, có nguyên nhân thuộc về những quy định pháp luật chưa đầy đủ về thời điểm nộp kinh phí bảo trì, quy định chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, quy định về hành vi vi phạm, chế tài chưa kịp thời, chưa có quy định chi tiết về kinh phí quản lý, sử dụng, bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng…
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét