Nên chăng, đài PTTH Hà Nội học theo phương án của Đà Nẵng để khuyến khích các cán bộ nghỉ việc, dĩ nhiên là dựa theo những gì họ đã đóng góp cho tập thể.
Kính gửi Tổng Giám đốc đài PTTH Hà Nội!
Được biết, tại hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, ông là một trong số đại biểu đã nêu ý kiến về vấn đề tuyển dụng, đào tạo và chất lượng cán bộ.
Thông tin mà ông cung cấp về thực tế bộ máy của đơn vị khiến nhiều người sốc. Mấy ai ngờ ở một đài lớn, với hơn 700 cán bộ nhân viên lại “chỉ có khoảng 60% cán bộ đủ năng lực".
Ông còn tiết lộ khi cử người đi công tác cùng lãnh đạo thành phố, lãnh đạo đài Hà Nội không dám cử ai trong số 40% cán bộ yếu kém.
Đặc biệt, lý do khiến số cán bộ này không dễ bị mất vị trí của mình "vì là con ông này, cháu bà kia từ Trung ương trở xuống Thành phố”. Ngoài ra, họ không vi phạm kỷ luật dù làm việc thì làng nhàng, "cứ đi ra đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”.
Đọc tin này, người ôm đầu, nhăn trán, kẻ cười ra nước mắt, hoang mang. Riêng tôi lại thấy cảm phục ông sát đất, vì đã không ngần ngại nói ra góc tối ở một cơ quan truyền thông.
Có câu: Đẹp khoe, xấu che; nhiều người vẫn tìm cách lấp liếm những thiếu sót, đề cao những thành tựu của bản thân và do đó, chẳng những không khắc phục được điểm yếu mà còn khiến phần “ung nhọt” thêm sinh sôi, gây nhức nhối kinh hoàng.
Đường đường là Tổng Giám đốc đài, ông đương nhiên muốn tập thể mình hội tụ “binh hùng tướng mạnh”, để khán giả cứ mở kênh, bắt sóng chương trình của đài là không thể chuyển, dò sang kênh khác.
Những nhân sự yếu kém, làm không được việc đâu khác gì dây tầm gửi - So sánh thế này dĩ nhiên có phần khập khiễng, vì ít ra đa số các loài tầm gửi còn có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau nhức xương khớp... trong đông y, còn người không làm được việc chỉ “hại” điện, nước cơ quan và nhiều thứ khác.
Nhưng biết làm thế nào đây? Dân mạng đang kháo nhau luyện tuyệt kỹ “đi ra đi vào” (may không cộng thêm khoản “nói ra như nhà có ma”), “không cãi ai”, “không chửi ai” để xin tuyển dụng vào đài mà quên yếu tố then chốt đã nhắc tới ở trên: Bố mẹ, ông bà mình là ai.
Nay sự đã rồi, điều chúng ta cần làm là đóng góp phương án xử lý chứ không phải hoạnh họe từng “tiểu tiết”. Thử nghĩ mà xem, giữa cái xấu lộ sáng với cái xấu ẩn mình trong tối thì điều gì nguy hiểm và đáng sợ hơn.
Thấy phản ứng của mọi người như vậy, chẳng may những người lãnh đạo khác vì ngại dư luận mà không dám chỉ ra mối “dây mơ rễ má” giữa đồng chí này và đồng chí kia thì mãi mãi chúng ta chỉ biết bộ máy ngày càng phình to chứ chẳng biết đơn vị nào đang tích cực “thổi phồng” nó nhất!
Còn nhớ, sở Nội vụ Đà Nẵng vừa cho biết đã hoàn thành dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ.
Nên chăng, đài PTTH Hà Nội cũng học theo phương pháp này để khuyến khích các cán bộ nghỉ việc, dĩ nhiên là dựa theo những gì họ đã đóng góp cho tập thể.
Thà một lần đau, tốn tiền vì sự ra đi của họ còn hơn để họ ở lại ngày qua ngày chăm chỉ lĩnh lương, vắt kiệt bầu sữa ngân sách, kéo lùi năng suất lao động của nhà đài!
Kính thư,
Một người lao động
0 nhận xét