Open top menu
Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Mặc dù không nằm trong danh sách những doanh nghiệp được đưa người đi XKLĐ tại Hàn Quốc nhưng công ty CP Asahi Group vẫn tư vấn, nhận tiền, đưa người đi lao động. Tuy nhiên, những lao động này đã mất chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng không được đi XKLĐ như cam kết ban đầu.

Theo đơn phản ánh của ông C.T. (trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) phản ánh về việc công ty CP Asahi Group (địa chỉ số 252, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) đưa lao động đi XKLĐ bằng con đường bất hợp pháp.

Cụ thể, vào tháng 10/2017, bà Trần Thị Tình, Chủ tịch HĐQT công ty CP Asahi Group liên hệ với ông C.T. đặt vấn đề nhờ giới thiệu 2 người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Theo lời bà Tình, lao động sẽ đi theo hình thức thương mại dịch vụ. Lần đi này được chia làm nhiều lần, lần đầu đi trong vòng 7 ngày, các lần tiếp theo, mỗi lần đi 3 tháng và được chia làm 5 lần.

Sau khi kết thúc thời gian trên, phía công ty sẽ làm visa 5 năm tại Hàn Quốc cho lao động. Mỗi người chi phí là 12 nghìn USD. Sau đó, ông T. đã giới thiệu anh Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Xuân Thanh ( Nghệ An) có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cho bà Tình.

Hồ sơ điều tra - Công ty CP Asahi Group đưa người lao động đi xuất khẩu “chui”?

Trụ sở công ty Asahi

Để lo chi phí ban đầu, anh Hải, anh Thanh nhờ ông C.T. nộp 2 nghìn USD cho bà Tình và nhận được lịch báo bay. Sau đó, ông T. nộp tiếp số tiền còn lại là 22 nghìn USD có hóa đơn để làm thủ tục khác.

Nộp đủ số tiền, anh Hải, anh Thanh đi lần đầu là 7 ngày, sau đó về “nghỉ” 1 tháng rồi chờ tiếp tục xuất ngoại tiếp. Trong thời gian làm hồ sơ với ông T. thì vị Chủ tịch HĐQT này cũng đã làm cam kết là chính mình đã nhận lo cho 2 người này đi Hàn Quốc, nếu 2 người này không đi được sẽ hoàn trả lại một nửa số tiền.

Tuy nhiên, đến nay đã 8 tháng trôi qua nhưng người lao động vẫn không nhận được kế hoạch tiếp theo. Nhiều lần liên hệ nhưng ông T. chỉ được bà Tình trả lời vòng vo.

Sau nhiều lần bị khất lần, ông T. đã trực tiếp gặp bà Tình thì được bà này nói sẽ lo thủ tục tiếp cho 2 người này đi với hình thức đi du lịch. Tuy nhiên, để đi được hình thức du lịch thì bà Tình lại bảo phải đóng thêm 300 triệu đồng mới đi được.

Nhận thấy có dấu hiệu không trung thực nên ông T. cho biết chưa có đủ số tiền để nộp thêm, đề nghị được trả lại số tiền trước đó. Sau khi trừ một số khoản tiền dịch vụ như vé máy bay, tiền công ty mua thư mời từ Hàn Quốc, đến nay, bà Tình vẫn không trả lại số tiền còn lại và bao gồm cả hộ chiếu của người lao động.

Để làm rõ vấn đề này, PV đã đến công ty CP Asahi Group để làm việc. Tại đây, phía công ty CP Asahi Group giao cho anh Phùng Ngọc Thuần, nhân viên pháp chế của công ty, tiếp và cho biết: “Đối với 2 trường hợp của anh Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Xuân Thanh thì phía công ty không xử lý hồ sơ, mà 2 người này do cá nhân sếp (chị Tình –PV) xử lý toàn bộ. Phía công ty chỉ làm hồ sơ du học. Còn sếp làm với đơn vị nào thì tôi không nắm được…”.

Cũng theo anh Thuần thì công ty không làm hồ sơ mà công ty chỉ thu tiền. 

Hồ sơ điều tra - Công ty CP Asahi Group đưa người lao động đi xuất khẩu “chui”? (Hình 2).

Nhân viên pháp chế công ty nói không xử lý hồ sơ mà chỉ thu tiền, rồi môi giới sang công ty khác.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền - cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa.

Theo bà Hà thì hiện những lao động có thể đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua 3 kênh chính thức: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS). Tuy nhiên, hiện nay do phía Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ bình thường với Việt Nam nên lao động mới không thể tham gia chương trình này. Chương trình đưa lao động sang làm thuyền viên tàu cá gần bờ và xa bờ Hàn Quốc. Lao động có nguyện vọng đi làm việc theo chương trình này phải đăng ký tại một số doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng đưa lao động đi làm thuyền viên Hàn Quốc được cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện.

Lao động trình độ cao có thể sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình thẻ vàng (visa E7). Tuy nhiên, chương trình này rất ít người tham gia, bởi yêu cầu lao động phải có trình độ Đại học trở lên, có thời gian 2 năm làm chuyên môn và có trình độ tiếng Hàn hoặc tiếng Anh đáp ứng yêu cầu bên tuyển dụng.

Được biết, 2 người mà bà Tình đưa đi chỉ là những người làm nông dân bình thường, không có bằng cấp cũng như không có trình độ để đáp ứng những hình thức được đi lao động tại Hàn Quốc như bộ LĐ,TB&XH đã đưa ra.

Qua sự việc trên cho thấy, công ty CP Asahi Group có dấu hiệu bất chấp quy định của pháp luật, dụ dỗ người lao động đi XKLĐ “ chui” để rồi “tiền mất, nợ mang”?

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nhóm PV

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét